Bộ Công Thương áp thuế đường Thái, đường Việt kỳ vọng phục hồi
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Vuasanca xung quanh vấn đề này.
Ông đánh giá ra sao về quyết định áp dụng thuế bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan của Bộ Công Thương mới đây?
Các doanh nghiệp trực thuộc hiệp hội rất phấn khởi với quyết định này bởi quyết định này là minh chứng rõ ràng cho thấy những ý kiến cho rằng năng lực cạnh tranh của ngành mía đường rất kém, không chịu đầu tư mà chỉ đi xin cơ chế lâu nay vẫn áp vào ngành mía đường là không đúng.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) |
Thực tế, không ít nhà máy đường trong nước đã chủ động đầu tư công nghệ, xây dựng chuỗi liên kết với nông dân để sản xuất ra sản phẩm có tính cạnh tranh. Song, những gian lận về trợ cấp, bán phá giá đã được kết luận sau quá trình điều tra nghiêm túc mới chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp ngành mía đường “lao đao".
Vào năm 2020, kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN theo quy định tại Hiệp định ATIGA (Hiệp định tự do trong khu vực ASEAN), tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,5 triệu tấn, gấp đôi lượng đường sản xuất trong nước. Trong đó, một lượng đáng kể được nhập từ Thái Lan. Giá đường nhập khẩu ở mức rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước. Nếu như trước đây, năng lực sản xuất của doanh nghiệp mía đường vào khoảng 1,5-1,6 triệu tấn thì đến nay giảm chỉ còn một nửa. Tuy nhiên, kể cả khi giảm rồi cũng không thể cạnh tranh được với mức giá quá thấp của đường nhập khẩu.
Mức thuế 44,88% với đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô do Bộ Công Thương đưa ra tương đối hợp lý bởi mức chênh lệch giá đường nội địa so với đường Thái Lan khá tương đồng với mức thuế này. Chúng tôi tin rằng ngành đường Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh với đường Thái Lan hay các quốc gia khác trong khu vực châu Á nói chung. Do đó, quyết định này sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng và sân chơi công bằng trong thời gian tới.
Quyết định của Bộ Công Thương dù không được kỳ vọng sẽ ngay lập tức vực dậy ngành mía đường nhưng sẽ giúp chặn đứng đà lao dốc của ngành này |
Khó khăn kép do Covid-19 và áp lực từ đường nhập khẩu khiến hiện trạng ngành mía đường Việt Nam hiện nay ra sao?
Trước khi Hội nhập ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy mía đường phía Bắc và khoảng 300.000 ha mía đường, 300.000 nông dân, nhưng hiện nay chỉ còn 25 nhà máy hoạt động. Tuy nhiên, nhiều nhà máy trong số này cũng đang trong tình trạng “chết lâm sàng”.
Trong bối cảnh đó, Quyết định của Bộ Công Thương dù không được kỳ vọng sẽ ngay lập tức vực dậy ngành mía đường nhưng sẽ giúp chặn đứng đà lao dốc của ngành này. Đồng thời, quan trọng hơn, sẽ giúp tạo sinh kế bền vững cho người nông dân trồng mía ở các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng biên giới khi không thể có loại cây thay thế nào phù hợp với điều kiện ở khu vực này.
Quyết định của Bộ Công Thương được đánh giá là kịp thời, song để chiếm lĩnh thị trường, nỗ lực chính vẫn phải thuộc về các doanh nghiệp. VSSA có khuyến nghị gì với doanh nghiệp để sớm tận dụng cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh?
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp mía đường cần tận dụng cơ hội để xây dựng lại các chuỗi liên kết với người nông dân, hình thành lại vùng nguyên liệu chất lượng sau thời gian dài bị gián đoạn vì phải giảm công suất. Tuy vậy, việc khôi phục lại vùng nguyên liệu không thể ngày một ngày hai mà phải cần đến ít nhất ba năm, nên trong ba năm này, doanh nghiệp cần hỗ trợ thêm cho người nông dân cải nâng cao đời sống để gắn bó hơn với cây mía. Từ đó đôi bên cùng có lợi.
Về phía người tiêu dùng, đây là cơ hội để các sản phẩm mía đường Việt Nam lấy lại thị phần. Do đó, doanh nghiệp được khuyến cáo cần tiếp tục đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh, hài hòa lợi ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp để có thể chắc chân trên thị trường.
Theo Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 9/2/2021 của Bộ Công Thương về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) và chống trợ cấp (CTC) tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, mức thuế CBPG, CTC tạm thời đối với đường thô và đường tinh luyện có xuất xứ Thái Lan lần lượt ở mức 44,88% và 33,88%. Mức thuế này cũng sẽ được rà soát thường xuyên để bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng nếu có biểu hiện chuyển mạnh từ nhập khẩu (NK) đường tinh luyện, đường trắng sang NK đường thô để lẩn tránh thuế CBPG, CTC ở mức cao hơn. |