Trước tác động của dịch nCoV: Bộ Công Thương sớm có kịch bản ứng phó cho hoạt động giao thương |
Nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu sẽ ảnh hưởng
Nhấn mạnh yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư và Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng về phòng chống dịch nCoV với tinh thần quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần phân tích, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đến sản xuất, xuất khẩu và đưa ra giải pháp, kiến nghị bám sát thực tiễn, không chung chung, phiến diện.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các đơn vị thuộc Bộ cần tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước |
Tại cuộc họp, cáo cáo về tình hình xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – cho biết, trong năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 41,5 tỷ USD, trong đó nhóm nông sản đạt kim ngạch 7 tỷ USD với các mặt hàng chính là chè, cà phê, cao su, sắn lát, hoa quả, hàng đông lạnh...
“Hiện nay, do phía Trung Quốc đã bắt đầu hạn chế hoạt động xuất, nhập khẩu nên có ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu thụ hàng hoá, nhất là mặt hàng nông, thuỷ sản của Việt Nam” – ông Chinh nói và lấy ví dụ mặt hàng thanh long hiện đang ùn ứ tại cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn).
Còn theo Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, bà Lê Hoàng Oanh, do Trung Quốc đã thực hiện một loạt biện pháp đối phó dịch nCoV nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến thương mại với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Cụ thể, việc Trung Quốc thông báo tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hoá của hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây với Việt Nam đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu nông sản, nhất trái cây Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã huỷ hợp đồng nhập khẩu hoặc chậm thực hiện đơn hàng nhập khẩu đã ký kết. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã hạn chế việc đi lại của người dân nên ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch, dịch vụ trong nước.
Bà Lê Hoàng Oanh: Dư địa tăng trưởng của các thị trường Indonesia, Philippines, Hàn Quốc hay thị trường châu Phi... còn rất lớn |
“Ngay cả kế hoạch tổ chức 3 đoàn công tác của Cục Hải quan Trung Quốc sang Việt Nam để trao đổi, hoàn tất báo cáo về mở cửa thị trường đối với sản phẩm tổ yến dự kiến thực hiện vào tháng 2 và 3 tới đây cũng có thể phải hoãn lại” – bà Oanh cho biết.
Bổ sung, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - nhấn mạnh, việc hạn chế đi lại, nhất là với khách du lịch sẽ tác động làm giảm tốc độ tăng trưởng của thị trường bán lẻ. Cụ thể, tdo tác động của dịch nCoV, lĩnh vực kinh doanh ăn uống và vui chơi, giải trí sẽ giảm kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hoá giảm theo.
Đưa ra giải pháp, theo bà Oanh, cùng với việc tiếp tục duy trì ổn định hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, cần nghiên cứu tìm thị trường xuất khẩu thay thế cho hàng hoá của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng nông, thuỷ sản. Điển hình như với mặt hàng gạo sẽ tập trung vào các thị trường, như: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc hay thị trường châu Phi, trong khi đó với cà phê có thể tìm kiếm thị trường mới tại khu vực Trung Đông, còn với trái thanh long, có thể mở rộng thị trường sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan… “Dư địa tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu này còn rất lớn” – bà Oanh nói.
Còn theo ông Phan Văn Chinh, Cục Xuất nhập khẩu đang khẩn trương nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, nhằm bổ sung cho sự sụt giảm có thể có của thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, đối với mặt hàng sắn lát, trái cây và một số loại nông sản khác rất khó tìm thị trường mới vì phải đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của các thị trường nhập khẩu. Do đó, cùng với việc tích cực tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu thì cũng cần khai thác tốt hơn thị trường trong nước.
Ông Phan Văn Chinh: Cục Xuất nhập khẩu đang khẩn trương nghiên cứu tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm bổ sung cho sự sụt giảm có thể có của thị trường Trung Quốc |
Ông Trần Duy Đông cho rằng, cùng với các giải pháp quyết liệt của Bộ Công Thương thì các bộ, ngành khác, nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành sản xuất theo tín hiệu của thị trường trên cơ sở những phân tích, đánh giá tác động bất lợi do dịch nCoV.
Nghiên cứu, đánh giá toàn diện để có giải pháp tổng thể
Sau khi nghe ý kiến của các đơn vị chức năng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cơ bản tán thành với những nhận định, đánh giá và giải pháp đưa ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây mới là những nhận định bước đầu và giải pháp đưa ra chỉ là gợi mở.
“Tôi đề nghị các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước” – Bộ trưởng nói và chỉ rõ, cần đánh giá một cách tổng quan, toàn diện trên cơ sở cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn.
“Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ tác động như thế nào đến hoạt đông giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam?” – Bộ trưởng nêu câu hỏi và gợi ý, trong những đánh giá, phân tích cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Đây là lúc chúng ta phải đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành kinh tế” – Bộ trưởng cho rằng, cùng với những giải pháp cấp bách trong ngắn hạn thì các đơn vị phải nghiên cứu đưa ra giải pháp ứng phó trong dài hạn ứng với từng kịch bản diễn biến của dịch bệnh.
Cũng theo Bộ trưởng, việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển.
Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong quá trình nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những giải pháp ứng phó với dịch nCoV của ngành Công Thương, các đơn vị cũng cần phân tích, đánh giá và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan để Bộ Công Thương tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo trong công tác phối hợp thực hiện.