Theo Bộ Công Thương, với tâm lý tránh tiếp xúc gần với tác nhân gây bệnh trong thời điểm dịch bệnh, người dân có xu hướng lựa chọn sử dụng phương thức trực tuyến để đặt hàng thay vì mua hàng tại điểm bán truyền thống, điều này trực tiếp tác động đến xu hướng tăng trưởng của thương mại điện tử so với các thời điểm trước đó.
Mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà Bộ Công Thương đưa ra |
Tuy nhiên, mới đây, trên các mạng xã hội xuất hiện thông tin, tin đồn thất thiệt cho rằng từ ngày 2/4/2020, người bán hàng qua mạng, bán hàng mang đi sẽ bị phạt nặng nếu bị phát hiện. Thông tin trên đã gây ra sự hoang mang, lo lắng đối với những người kinh doanh hình thức online cũng như chuyển đổi kinh doanh từ phục vụ tại chỗ sang bán cho khách mang đi. Thông tin trên là không chính xác và hiểu sai Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tinh thần của Chỉ thị 16/CT-TTg là hạn chế tối đa việc di chuyển ra ngoài nếu không thực sự cần thiết nhằm hạn chế việc lây lan virus ra cộng đồng (việc này chưa phải phong tỏa quốc gia như một số đất nước đã làm). Ngoài ra, Chính phủ vẫn đang kiểm soát được tình hình, vì vậy, vẫn cần phải đảm bảo các vấn đề về sinh hoạt, về sản xuất, về kinh tế xã hội.
Trước đó, tại buổi họp ngày 7/3/2020 về việc tăng cường các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với các doanh nghiệp phân phối hỗ trợ đẩy mạnh các hoạt động, hình thức mua bán hàng hóa trực tuyến để tăng khả năng đáp ứng nhu cầu hàng hóa cho người dân, nhất là cho các khu vực bị cách ly. Một trong những giải pháp đó là cần tạo điều kiện hỗ trợ và ưu tiên hiển thị các sản phẩm phòng dịch và các nhu yếu phẩm để người dân dễ tiếp cận và mua sắm nhằm chung tay đẩy lùi dịch Covid-19. Do vậy, Bộ Công Thương khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp loại hình kinh doanh trực tuyến đã và đang là biện pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp, tập trung đông người cần tiếp tục được khuyến khích.
Tuy nhiên, các đơn vị tham gia vào hoạt đông bán hàng trực tuyến, các nhà máy, phân xưởng sản xuất/đóng gói, các đơn vị giao hàng,…cũng phải đảm bảo an toàn về vấn đề phòng chống dịch bệnh cho các cán bộ công nhân viên, đảm bảo vấn đề an toàn về đeo khẩu trang, khử trùng, … tránh để xảy ra dịch bệnh.
Trao đổi với phóng viên Vuasanca , ông Đặng Hoàng Hải- Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, việc mở rộng các kênh bán hàng trực tuyến cũng là nội dung nằm trong kịch bản đối phó dịch bệnh mà Bộ Công Thương đưa ra. Theo đó, Bộ đã làm việc với các doanh nghiệp logistics, thương mại điện tử, đề nghị tăng vận chuyển các đơn hàng trong mùa dịch từ hệ thống siêu thị tới người dân. qua đó hỗ trợ người tiêu dùng trong thời kỳ dịch bệnh.
Tuy nhiên, ông Đặng Hoàng Hải lưu ý, thương mại điện tử là môi trường dễ bị trục lợi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nên Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số đã chủ động có công văn gửi các website, sàn giao dịch thương mại điện tử kiểm tra, rà soát, gỡ bỏ các hàng hóa nâng giá, tăng giá vận chuyển sản phẩm…tất cả những hành vi này đều bị xử lý.
Lo ngại dịch bệnh Covid-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội giảm 50-80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp tăng 20-30%. |