Bộ Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền về Hiệp định EVFTA
Vừa qua, Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về việc phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA).
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng bộ hồ sơ trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Bộ hồ sơ này đã được các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Vào ngày 20/5 vừa qua, Quốc hội cũng đã có phiên thảo luận trực tuyến về vấn đề này. Theo kế hoạch, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định vào ngày 8/6/2020. Đối chiếu theo quy định của Hiệp định, dự kiến Hiệp định có thể sẽ chính thức có hiệu lực trong tháng 8/2020.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thời gian không còn nhiều, vấn đề quan trọng nhất là tất cả các cấp, ngành phải hiểu rõ về Hiệp định.
“Nếu không hiểu rõ từng nội dung, mặt hàng, thị trường tác động như nào, thì đôi khi, cơ hội đó sẽ trở thành thách thức”- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, đồng thời cho biết, để hiểu, biết hơn về Hiệp định thì thông tin truyền thông báo chí rất quan trọng. Đặc biệt là truyền tải thông tin đến từng cơ quan, bộ, ngành, địa phương nắm rõ Hiệp định, để có biện pháp hành động cụ thể, tận dụng được cơ hội từ hiệp định này. Nếu báo chí nắm được rõ thì sẽ lan tỏa, định hướng cho dư luận.
Hội nghị tập huấn về Hiệp định EVFTA thu hút đông đảo nhà báo, phóng viên |
Tại hội nghị, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên đã giới thiệu về Hiệp định EVFTA; ý nghĩa chiến lược, cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng; cập nhật tình hình phê chuẩn và dự kiến thời điểm Hiệp định có hiệu lực; Kế hoạch thực hiện Hiệp định của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương.
Chia sẻ thêm về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA, ông Lương Hoàng Thái cho biết, Dự thảo Kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ đã được xây dựng và đưa vào bộ hồ sơ trình phê chuẩn. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA để kịp thời ban hành ngay tại thời điểm Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Theo đó, có 4 nội dung chính: Thứ nhất, công tác xây dựng văn bản pháp luật. Thứ hai, chương trình kế hoạch hành động của Chính phủ trong đó giao việc cho bộ, ngành, địa phương. Thứ ba, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế; thiết lập các kênh phân phối hàng hóa của Việt Nam trên thị trường các nước thành viên EU. Ngoài ra, chú trọng truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm Việt Nam hướng tới thị trường EU; hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại thị trường EU trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại.
Minh chứng cụ thể là ngày 5/6 tới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tổ chức Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp SMEs tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA”.
Thứ tư, hoạt động phổ biến tuyên truyền.
“Riêng về hoạt động phổ biến tuyên truyền, bên cạnh khóa tập huấn trực tiếp, Bộ Công Thương sẽ đổi mới phương thức tiếp cận, bằng việc tổ chức khóa tập huấn online, để thông tin được phủ sóng và có tính lan tỏa cao. Hiện có gần 3.000 đơn đăng ký tham gia Khóa tập huấn này”- ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.
Đại diện một số lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Phòng vệ thương mại trả lời hỏi đáp của phóng viên liên quan đến Hiệp định EVFTA |
Cũng tại hội nghị, các phóng viên đã có phần hỏi đáp liên quan đến ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa…
Liên quan đến câu hỏi về lợi ích trước mắt và lâu dài mà người dân có thể được hưởng lợi khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, ông Lương Hoàng Thái cho biết, theo Ngân hàng Thế giới, Hiệp định EVFTA nếu thực thi, sẽ giúp cho 800 nghìn người thoát được chuẩn nghèo nếu như so với kịch bản không có hiệp định. Về cơ bản, những nghiên cứu cho đến nay, nếu như Hiệp định tiếp tục triển khai, “nước nổi thì bèo nổi”, mỗi người dân đều hưởng lợi trong đó. Đấy là lợi ích gián tiếp.
Bổ sung thêm thông tin, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, khi EVFTA có hiệu lực, đương nhiên mang lại thu nhập cho cả dân tộc, nền kinh tế, sau đó phân bổ lại. Đó là có nguồn thu, chi cho phúc lợi xã hội… hoặc xuất khẩu đi được mang lại việc làm cho người dân. Còn đối với lợi ích trước mắt, người dân có thể được hưởng lợi khi mua hàng hóa của EU với giá thấp hơn.
Ngoài ra, với việc thực thi Hiệp định EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.
Liên quan đến vấn đề quy tắc xuất xứ, đại diện Cục Xuất nhập khẩu thông tin, để các doanh nghiệp tận dụng ngay các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, ngay khi Hiệp định EVFTA được ký kết, đơn vị đã bắt tay xây dựng Dự thảo sửa đổi Thông tư về xuất xứ hàng hóa. Hiện, Thông tư sẵn sàng có thể ký ban hành ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực.