Tận dụng lợi thế từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA Quan hệ thương mại Việt Nam-Bulgaria còn nhiều dư địa để phát triển Thúc đẩy hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam và EU đi vào chiều sâu |
Minh chứng sống động cho thành công của EVFTA
Hiệp định EVFTA là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, do vậy, đây là Hiệp định được cả hai bên quan tâm trong quá trình thực thi.
Sau hơn ba năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2020, quan hệ kinh tế - thương mại đã thực sự trở thành “điểm sáng” trong bức tranh hợp tác song phương Việt Nam - EU, với mức tăng trưởng hai con số. Việc Hiệp định được ký kết cũng góp phần khẳng định sự tin tưởng của EU đối với Việt Nam ngày càng tăng.
Việt Nam là minh chứng sống động cho thành công của Hiệp định EVFTA. Ảnh minh họa |
Theo số liệu của EU, kể từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong số các nước ASESAN xuất khẩu sang thị trường này. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%.
Trong số các mặt hàng xuất khẩu thì mức tăng nhiều nhất là ở các mặt hàng nông nghiệp như: Gạo, hạt điều, hạt tiêu, cao su. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ EU cũng tăng hơn 40%. Các mặt hàng nhập khẩu từ EU có sự gia tăng về kim ngạch gồm: Máy móc, phụ tùng, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh kẹo…
Tại Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban thương mại EVFTA diễn ra hôm 1/12/2023 tại thủ đô Brussels của Bỉ, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy Thương mại EU Valdis Dombrovskis từng nhấn mạnh: “Phía EU coi việc Việt Nam vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng đầu của EU trong ASEAN chính là minh chứng sống động cho thành công của Hiệp định EVFTA”.
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, từ khi được thực thi đến nay, EVFTA cũng giúp cho Việt Nam tăng cường nhập khẩu thiết bị máy móc, thiết bị và công nghệ hiện đại góp phần cho quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, giúp tiêu chuẩn các sản phẩm tăng cao hơn và tăng khả năng gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhìn chung đã cải thiện khả năng đáp ứng nhu cầu nhập khẩu của thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.
Triển vọng thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam
Đánh giá cao kết quả đạt được sau 3 năm triển khai Hiệp định EVFTA, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange cho biết, Hiệp định EVFTA, chính là “những hòn đá tảng, cột mốc quan trọng cho quan hệ giữa hai bên”. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động phức tạp, sự đối đầu, chủ nghĩa bảo hộ còn hiện hữu, EVFTA là nền tảng rất tốt để thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên.
Ông Lange cho rằng, Việt Nam có thể nói là một điểm đến ổn định trong một thế giới bất ổn, do vậy, các nhà đầu tư châu Âu tìm đến Việt Nam.
Có đến hơn 30% các doanh nghiệp EU chọn Việt Nam là một trong ba điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu. Ảnh EuroCham |
Cụ thể, Sách Trắng 2024 của EuroCham công bố hôm 16/1 cho biết, kể từ khi ký kết EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết đầu tư hơn 26 tỷ USD vào gần 2.250 dự án vào Việt Nam. Đơn cử, Tập đoàn LEGO của Đan Mạch đã được chấp thuận đầu tư hơn 1 tỷ USD vào nhà máy ở Việt Nam không phát thải carbon. Trong khi Adidas của Đức có 51 nhà cung cấp tại Việt Nam với hơn 190.000 nhân viên... Đây là những minh chứng cho sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty EU tại Việt Nam.
Bình luận về Chỉ số Niềm tin Kinh doanh do EuroCham thực hiện, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cũng xác nhận xu hướng đầu tư từ EU vào Việt Nam tăng. Theo đó, kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh cho thấy có 31% thành viên chọn Việt Nam là một trong số ba điểm đến đầu tư hàng đầu toàn cầu và hơn một nửa lên kế hoạch thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam trong năm 2023, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao.
“Sự bùng nổ đầu tư này cho thấy hiệu quả của các FTA, đặc biệt là EVFTA trong việc thu hút FDI bền vững, chất lượng cao và biến Việt Nam thành điểm đến chiến lược” - EuroCham nêu rõ.
Sách Trắng 2024 của EuroCham cũng cho biết, đến nay EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 6 của Việt Nam với hơn 27,8 tỷ USD Mỹ được đầu tư vào 2.450 dự án trong ba thập kỷ qua, chiếm trên 60% trong lĩnh vực sản xuất.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp châu Âu, sau hơn ba năm triển khai, Hiệp định EVFTA đang tiếp tục có tác động tích cực mạnh mẽ đến bối cảnh kinh doanh của Việt Nam. Hơn 60% doanh nghiệp cho rằng Thỏa thuận này có lợi, trong đó lợi ích hàng đầu là cắt giảm thuế, tiếp theo là khả năng cạnh tranh được cải thiện ở Việt Nam, giảm rào cản thương mại, mở rộng quan hệ đối tác với doanh nghiệp trong nước và tăng khả năng tiệp cận thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp châu Âu, sự khác biệt trong định giá hải quan đối với hàng nhập khẩu, thủ tục thông quan kéo dài, những trở ngại kỹ thuật đối với thương mại... là những tồn tại hạn chế hiệu quả đầy đủ của Hiệp định EVFTA.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững đang ngày càng trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chủ động chuẩn bị cho các quy định xanh sắp ra mắt của EU, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon... Qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, đặc biệt là tại thị trường quan trọng như thị trường EU.