Bộ Công Thương: Hỗ trợ nâng cao năng lực thương mại hóa sản phẩm công nghiệp nông thôn Đà Nẵng
Sáng ngày 14/10, tại TP. Đà Nẵng, Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế số - Bộ Công Thương - phối hợp với Trung tâm Khuyến công & Xúc tiến thương mại – Sở Công Thương Đà Nẵng tổ chức chương trình tập huấn và bàn giao các giải pháp thương mại điện tử (TMĐT) cho các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
Trao máy in tem truy xuất nguồn gốc cho Công ty CP Công nghệ Đức Huy |
Trong năm 2020, TP. Đà Nẵng có 3 đơn vị được thụ hưởng chương trình khuyến công quốc gia về hỗ trợ giải pháp TMĐT gồm HTX mây tre An Khê, Công ty Cổ phần Công nghệ Đức Huy, Công ty Sản xuất - thương mại - dịch vụ Lê House. Đây là 3 đơn vị có sản phẩm là sản phẩm CNNT tiêu biểu của TP. Đà Nẵng được vào vòng bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp khu vực trở lên.
Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, gồm website, fanpage, gian hàng trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, mỗi đơn vị còn được hỗ trợ phần mềm quản lý sản xuất. Riêng Công ty Đức Huy sẽ được hỗ trợ thêm phần mềm giải pháp truy xuất nguồn gốc (gồm phần mềm truy xuất nguồn gốc sản xuất và máy in tem truy xuất nguồn gốc).
Tại chương trình, đại diện Cục TMĐT & Kinh tế số đã hướng dẫn các đơn vị cách vận hành, sử dụng, quản lý website, fanpage, gian hàng trên sàn TMĐT, các lưu ý trong sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, quản lý sản xuất.
“Mỗi đơn vị sẽ được thụ hưởng hỗ trợ trong 2 năm. Sau 2 năm, tùy theo hiệu quả quản trị, hoạt động, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sẽ quyết định việc có tiếp tục duy trì bộ nhận diện thương hiệu, các phần mềm quản lý sản xuất, phần mềm truy xuất nguồn gốc hay không, nếu có, đơn vị sẽ tự chi trả chi phí để duy trì”, ông Lê Chí Mạnh – Trưởng phòng Phát triển thị trường, Cục TMĐT & Kinh tế số cho hay.
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần chú trọng đến khâu thương mại hóa sản phẩm, đặc biệt là tận dụng lợi thế của TMĐT để phát triển. Ảnh: Sản xuất thớt kính cường lực tại Công ty Lê House |
Theo ông Mạnh, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện mới chỉ chú trọng đến khâu sản xuất, chưa tập trung cho khâu quảng bá sản phẩm, đặc biệt là năng lực TMĐT còn hạn chế. “Chương trình hỗ trợ sẽ giúp doanh nghiệp có một bộ giải pháp. Đây sẽ là công cụ để doanh nghiệp tự quảng bá, tự marketing sản phẩm, xây dựng chương trình làm thương hiệu trên môi trường mạng (Internet)”, ông Mạnh thông tin và cho biết thêm: “Chúng tôi kỳ vọng với những hỗ trợ ban đầu từ Cục TMĐT & Kinh tế số và Cục Công Thương địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh được khâu thương mại hóa sản phẩm, cũng như nhận thấy rõ hơn vai trò của TMĐT trong sản xuất, kinh doanh, nhất là tăng tính thích ứng cho doanh nghiệp trước các biến động, rủi ro của thị trường, ví dụ như dịch bệnh Covid -19 vừa qua”.