Bộ Công Thương lưu ý nguyên tắc Ratchet của Hiệp định CPTPP
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 2538/BCT-ĐB ngày 11/5/2022 gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố về việc lưu ý nguyên tắc Ratchet trong cam kết dịch vụ và đầu tư của Hiệp định CPTPP đã có hiệu lực đối với Việt Nam.
Công văn chỉ rõ, trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, nguyên tắc Ratchet, còn được gọi là nguyên tắc “không đi lùi”, là một nguyên tắc quan trọng áp dụng cho việc mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ - đầu tư. Nguyên tắc này được quy định tại Khoản 1c, Điều 9.12 Chương 9 đầu tư và Khoản 1c Điều 10.7 Chương 10 (thương mại dịch vụ xuyên biên giới). Nguyên tắc này áp dụng đối với tất cả các biện pháp được nêu tại Phụ lục I về Danh mục các biện pháp không tương thích với nghĩa vụ chính của Chương Đầu tư và Chương Thương mại dịch vụ xuyên biên giới (Danh mục NCM).
Nguyên tắc Ratchet được hiểu là các nước có quyền đơn phương sửa đổi các nội dung đã được bảo lưu trong Danh mục NCM theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã sửa đổi rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Các nước CPTPP đồng ý dành linh hoạt cho Việt Nam chỉ thực hiện nguyên tắc này sau 3 năm kể từ khi Hiệp định chính thức có hiệu lực với Việt Nam.
Như vậy, với việc Hiệp định CPTPP có hiệu lực chính thức với Việt Nam vào ngày 14/1/2019, kể từ ngày 14/1/2022 nguyên tắc Ratchet sẽ chính thức được áp dụng đối với Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ và đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, điều này đòi hỏi Bộ, ngành, địa phương cần lưu ý trong việc ban hành, sửa đổi hay thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách hay cấp phép đối với các hoạt động đầu tư, cung ứng dịch vụ, đặc biệt đối với các nội dung có liên quan đến các nước CPTPP để bảo đảm phù hợp với định hướng quản lý và phát triển lĩnh vực dịch vụ và đầu tư của Việt Nam, tránh xảy ra tranh chấp với các nhà cung cấp dịch vụ hoặc nhà đầu tư nước ngoài.