Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Long An để đảm bảo tiến độ các dự án điện
Bộ trường Trần Tuấn Anh và làm việc với lãnh đạo tỉnh Long An chiều ngày 22/2 |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Long An cho biết, ngày 10/2 vừa qua UBND tỉnh này đã gửi Tờ trình xin chủ trương phê duyệt đầu tư dự án Nhà máy điện Long An I và Long An II từ sử dụng than sang sử dụng nhiên liệu khí LNG. Trong đó có nêu cụ thể tổng quan dự án, nguyên nhân xin chuyển đổi công nghệ cũng như tiến độ thực hiện và công suất của dự án.
Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An - cho biết, hai dự án Nhà máy điện Long An I, Long An II tại huyện Cần Đước và Cần Giuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, sử dụng nguồn nguyên liệu là than nhập khẩu. Tuy nhiên cả hai dự án trên đến nay vẫn chưa triển khai được do vướng mắc về tác động môi trường, xử lý tro xỉ… và không được sự đồng thuận của người dân, lãnh đạo chính quyền địa phương.
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Long An Phạm Văn Rạnh tại buổi làm việc |
Trước tình hình này, năm 2019 UBND tỉnh Long An đã kiến nghị Chính phủ xin chuyển đổi công nghệ và nhiên liệu từ than nhập khẩu sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG) cho Nhà máy điện Long An I, Long An II. Đến tháng 11/2019, UBND tỉnh Long An đã có văn bản báo cáo Thủ tưởng Chính phủ và Bộ Công Thương về chủ trương này.
Theo ông Trần Văn Cần - Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Nhà máy điện Long An I, Long An II sử dụng LNG được đầu tư bởi VinaCapital Group Ltd, cùng với các nhà đồng đầu tư khác. Sự vào cuộc của các nhà đầu tư sẽ giảm gánh nặng tài chính cho Tập đoàn điện lực Việt Nam trong việc phát triển các nguồn điện mới. Và thời gian xây dựng một nhà máy điện khí chỉ khoảng 30-36 tháng, nhanh hơn nhiều so với một dự nhà máy điện than thuận tiện trong việc đấu nối vào hệ thống điện khu vực, do được tính toán khi đưa vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh.
Khi đi vào hoạt động dự án sẽ bổ sung nguồn điện sạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, không phát sinh tro xỉ trong quá trình vận hành, qua đó giảm ô nhiễm môi trường; đồng thời với doanh thu hàng năm khoảng từ 34.000 – 40.000 tỷ đồng, dự án sẽ là một bứt phá lớn để phát triển công nghiệp của tỉnh Long An.
UBND tỉnh Long An kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, thẩm định trình Thủ tướng phê duyệt hồ sơ “Nhà máy nhiệt điện Long An I, Long An II” sử dụng nhiên liệu than trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh sang dự án “Nhà máy nhiệt điện Long An I, Long An II” sử dụng nhiên liệu khí LNG”; Cho phép chuyển đổi quy mô công suất Nhà máy điện Long An I và Long An II cũng như thời gian vận hành của các dự án này.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ động tổ chức làm việc với tỉnh Long An về các dự án điện |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, để thực hiện các nội dung nói trên cần phải có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, căn cứ trên đề nghị của Long An, Bộ đã tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành và báo cáo Thủ tướng. Với kiến nghị điều chỉnh công nghệ, công suất của các dự án, Bộ thống nhất đưa vào sơ đồ Quy hoạch Điện VIII sắp tới để báo cáo Chỉnh phủ và cân đối mang tính dài hạn, phục vụ nhu cầu cung cấp điện giai đoạn năm 2030.
Đối với dự án Nhà máy điện Long An I, Bộ trưởng đề nghị Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo chủ động tổ chức làm việc với địa phương cùng các bên có liên quan để tiếp tục rà soát năng lực tài chính của chủ đầu tư, công nghệ, đảm bảo hiệu quả trong xây dựng nhà máy... trước khi báo cáo Thủ tướng.
Với dự án nhà máy điện Long An II, về nguyên tắc, nếu Thủ tướng đã thống nhất nội dung điều chỉnh trong quy hoạch thì Bộ Công Thương sẽ kế thừa trong tổng thể Sơ đồ Quy hoạch Điện VIII.
Cũng tại buổi làm việc, tỉnh Long An cho biết có 15 dự án điện mặt trời đang gửi Bộ Công Thương chờ phê duyệt. Về vấn đề này, Bộ Công Thương ủng hộ nhưng phải đảm bảo dựa trên đúng quy định chung theo chỉ đạo của Chính phủ, đảm bảo phải đủ điều kiện giải tỏa công suất, không có xung đột quy hoạch,…