Nâng cao nhận thức bình đẳng giới
Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của Bộ, ngành Công Thương đã đạt được những thành tựu to lớn, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong lao động, học tập, và nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Đặc biệt, ngày 05 tháng 9 năm 2016 Bộ Công Thương đã có Quyết định số 3614/QĐ-BCT về việc ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020. Tiếp sau đó, nhiều văn bản chỉ đạo tiếp tục được ban hành để cụ thể hoá các nội dung, yêu cầu nhiệm vụ, thông qua nhiều hình thức phù hợp như giao ban định kỳ, sinh hoạt Chi bộ, đoàn thể, hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành… Nhiều đơn vị sự nghiệp như các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ đã phổ biến rộng rãi công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ đến học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng Ban VSTBPN Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị |
Báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho thấy, số biên chế công chức nữ của Bộ Công Thương hiện có 1645 người trên tổng số 6415 người, đạt tỉ lệ 25,64%; Viên chức lãnh đạo thuộc thẩm quyền Bộ Công Thương quản lý 147 người, trong đó nữ 22 người, đạt tỉ lệ 14,96%. Số lượng ủy viên ban chấp hành Đảng bộ là nữ hiện nay đã chiếm tỉ lệ khá lớn, là 32,6%, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 30%. Tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo chủ chốt cũng tăng từ 18,6% vào thời kỳ 2016 - 2017 lên đến tỷ lệ 24,2% vào năm 2020. 100% các đồng chí nữ ở trong quy hoạch đều được tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, cũng như chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng lãnh đạo.
Phát biểu tại Hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng Ban Trưởng ban VSTBPN Bộ Công Thương - cho biết: Trong giai đoạn 2011 - 2020, công tác bình đẳng giới của ngành Công Thương đã đạt được 2/3 chỉ tiêu đặt ra, 14/22 chỉ tiêu đã đạt, 7 chỉ tiêu chưa đạt và 1 chỉ tiêu chưa đủ số liệu. Nhìn chung công tác bình đẳng giới trong 10 năm vừa qua đã thu nhận được những kết quả tích cực. Thông qua việc thực hiện hệ thống pháp luật, chính sách, chủ trương của Đảng kết hợp lồng ghép các vấn đề bình đẳng giới, vấn đề nhận thức về bình đẳng giới ngành Công Thương đã góp phần thu hẹp khoảng cách giới nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội. Từ hiệu quả của công tác này, đã nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách về giới, qua đó, nhận thức xã hội được nhân lên.
Mặc dù các kết quả đạt được tốt như vậy, Trưởng Ban Trưởng ban VSTBPN Bộ Công Thương cũng nhìn nhận: Hiện nay có đến 38/84 đơn vị trong Bộ Công Thương chưa có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Lý do khách quan do chủ yếu là các đơn vị khối viện, trường thuộc khối kỹ thuật nên số lượng cán bộ nữ tương đối ít, việc tìm được các đồng chí cán bộ nữ để đào tạo, bồi dưỡng cũng gặp khó khăn. Thêm vào đó, một số đơn vị dù đã quan tâm đến công tác nữ nhưng chưa thật sát sao. “Đây là những điểm ngành cần khắc phục trong thời gian tới để hoàn thiện hơn công tác VSTBPN” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu
Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe ông Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội) chia sẻ một số nội dung về chế độ chính sách bảo hiểm, tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, đại diện các tập thể tiêu biểu trong công tác Bình đẳng giới và VSTBPN ngành Công Thương đã có tham luận, đề xuất xây dựng những mục tiêu VSTBPN ngành Công Thương trong giai đoạn mới.
Để nâng cao vai trò của nữ giới ngành Công Thương trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, trước hết, Bộ Công Thương sẽ bám sát chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Công Thương sẽ tích cực tham gia vào việc xây dựng Chương trình quốc gia về bình đẳng giới trong giai đoạn mới của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp tục ban hành kế hoạch tiếp theo của ngành Công Thương để thực hiện chương trình quốc gia trong 5 năm tới. Tiếp tục thực hiện những chỉ tiêu đã đề ra như nâng tỷ lệ cán bộ nữ ở trong ban chấp hành Đảng bộ, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo chủ chốt và tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch ở tất cả các cấp… Đề cao vai trò của người đứng đầu đơn vị, quan tâm đến công tác nữ và đưa ra các chương trình kế hoạch cụ thể để thực hiện công tác này.
Cùng với đó, ngành Công Thương cũng hướng đến sự thay đổi rất lớn về mặt nhận thức, tiếp tục thay đổi nhận thức về công tác bình đẳng giới cũng như về vị thế, vai trò của người phụ nữ. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của chính chị em phụ nữ về vị thế cũng như vai trò và quyền lợi của mình trong công việc cũng như trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn; tạo điều kiện cho cán bộ nữ được tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, thời gian tới, các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương cần lồng ghép công tác nữ vào các công việc của ngành, chú ý đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cũng như lý luận chính trị về kỹ năng lãnh đạo cho chị em phụ nữ để bảo đảm thực hiện được các chỉ tiêu giai đoạn 5 năm tới (2021 - 2025).
Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Công Thương nói chung và nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nói riêng cần phải tiếp tục nâng cao ý thức trách nhiệm, kiến thức rèn luyện kỹ năng, tăng cường sức sáng tạo, đổi mới cách nghĩ, cách làm, có ý chí quyết tâm cao để thành đạt trong cuộc sống, trong sự nghiệp, cũng như hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của ngành Công Thương vào thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Công tác Bình đẳng giới và VSTBPV giai đoạn 2016 - 2020 |