Đưa văn hoá vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng dân tộc: Cần tổng hoà nhiều giải pháp Quảng Ngãi: Đưa sản phẩm miền núi đến với người tiêu dùng |
Tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị "Kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo" do Bộ Công Thương phối hợp với TP Hải Phòng tổ chức mới đây, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh đất nước đổi mới và ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Trong đó có sản phẩm của bà con vùng dân tộc thiểu số.
Bà Lê Việt Nga phát biểu tại hội nghị |
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế các vùng đặc biệt khó khăn, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về phát triển các vùng khó khăn theo phạm vi quản lý Nhà nước được giao. Có thể kể đến các chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo. Đặc biệt là Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cũng như các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án, chương trình thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam, hàng hóa của miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo,...
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước, nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của bà con vẫn còn hạn chế do địa bàn chia cắt, đi lại khó khăn.
Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp và chất lượng mẫu mã là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân vùng này.
Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm của bà con vùng dân tộc thiểu số trên nền tảng thương mại điện tử |
Do đó thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng thương mại điện tử lớn như: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.
Những sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, hải đảo, sản phẩm của bà con vùng dân tộc thiểu số như: Vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết… đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống. |
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng nông sản, các sản phẩm đặc trưng, có thế mạnh của địa phương như: Hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ chức các Hội nghị, hội thảo, hội chợ trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương tổ chức xây dựng mô hình phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa bàn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của các địa phương.
Đồng thời, tổ chức Hội nghị/Hội thảo giới thiệu, quảng bá, mở rộng thị trường, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm thế mạnh của địa phương vào các kênh phân phối hiện đại, bước đầu hình thành những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng vùng miền theo hướng hiện đại, bền vững.
Hoạt động đẩy mạnh các Chương trình, Đề án có tác động tích cực hỗ trợ cho tiêu thụ sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được tăng cường trong thời gian tới. Đặc biệt là những nhóm giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào dân tộc thiểu số tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước; quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài là hết sức quan trọng.
Về phía các địa phương, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng Nguyễn Văn Thành chia sẻ, với vị trí đô thị lớn của khu vực và cả nước, Sở Công Thương thành phố đã tích cực phối hợp với các các cơ quan chức năng Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương.
Trong đó, Sở tập trung tổ chức các hội chợ triển lãm, các chương trình kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tổ chức kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa các doanh nghiệp Hải Phòng với các doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong cả nước…
Cùng với đó, Sở đã hỗ trợ đưa sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt tiêu chuẩn chất lượng của các địa phương như: Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Kon Tum, Tây Ninh... vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và ngược lại…
Tiếp tục thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm
Bà Lê Việt Nga chia sẻ, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục kiểm tra, giám sát hoạt động liên quan đến hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, bằng việc rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai, những nhóm nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao để cập nhật và thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho bà con dân tộc thiểu số.
Ký kết thỏa thuận kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm miền núi, sản phẩm của bà con dân tộc, vùng sâu, vùng xa và hải đảo |
Cụ thể, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai nhiều giải pháp vừa ban hành kịp thời trong thời gian qua.
Một là, hướng dẫn các địa phương triển khai tổ chức những hoạt động gắn giữa văn hóa, du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con.
Hai là, nhóm giải pháp thông qua lồng ghép các Chương trình và Đề án kể trên cùng với việc truyền thông trong triển khai các giải pháp này.
Ba là, thông qua các Đề án, Chương trình Bộ Công Thương xây dựng những mô hình thí điểm phù hợp với điều kiện kinh tế từng vùng, miền, đặc biệt là mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Bốn là, đào tạo được nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo, và cả các doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.
Năm là, đẩy mạnh các Chương trình, Đề án đã có những tác động tích cực cho tiêu thụ sản phẩm đồng bào khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo là nhiệm vụ cần phải được tăng cường trong thời gian tới.
Đặc biệt là những nhóm mà giải pháp như tuyên truyền, quảng bá cho sản phẩm đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới cộng đồng người tiêu dùng trong nước và quảng bá qua kênh thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các hoạt động xúc tiến thương mại của Việt Nam tại nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng sẽ rà soát lại những văn bản của Bộ Công Thương đang triển khai những nhóm nhiệm vụ mà được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao để xem là cần phải cập nhật gì trong tình hình mới này để thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho bà con miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.