Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì cùng sự tham dự của hàng trăm đại biểu từ các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương tại các địa phương, nhằm trao đổi thẳng thắn, cởi mở về các quy định hành chính cũng như thủ tục hành chính (TTHC) của ngành Công Thương.
Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Pháp chế và Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) đã trình bày những cải cách TTHC mà Bộ Công Thương đã thực hiện được trong thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì và trực tiếp giải đáp nhiều câu hỏi của doanh nghiệp |
“Nóng” các quy định kinh doanh LPG
Ngay sau phần phát biểu của các Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương là phần đối thoại trực tiếp giữa các doanh nghiệp (DN) với lãnh đạo Bộ. Vấn đề “nóng” được các DN quan tâm nhiều nhất là quản lý kinh doanh LPG. Ông Phan Tấn Bửu - đại diện Hiệp hội Các nhà phân phối LPG Quảng Nam - Đà Nẵng - cho biết, hiện nay các DN kinh doanh LPG tại Quảng Nam - Đà Nẵng đang gặp vướng mắc liên quan đến Nghị định 19/2016/NĐ-CP về quản lý kinh doanh LPG. Nghị định 19 sẽ làm khó các DN vừa và nhỏ vì đang làm tăng thêm giấy phép con cho các cơ sở kinh doanh LPG, thậm chí đến người chở gas cũng cần tới 7-8 giấy phép con thì rất bất cập.
Cũng liên quan đến lĩnh vực LPG, ông Nguyễn Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty CP Dầu khí LPG, đại diện cho các DN gas miền Trung - cho rằng, với những điều kiện hiện tại của Nghị định 19 như: Có bồn chứa CNG với tổng dung tích tối thiểu 200.000 Sm3, có trạm nén khí CNG có công suất tối thiểu 3.000 Sm3/h… là hoàn toàn hợp lý và không nên rút thấp hơn. Lý do, khi hạ thấp tiêu chuẩn thì những DN đầu tư bài bản thua các DN không đầu tư, làm ăn không bài bản…
Theo ông Châu, trên tinh thần cải cách nhưng không thể bỏ điều kiện kỹ thuật, nhất là ngành kinh doanh điều kiện an toàn cháy nổ thì vấn đề an toàn phải được đưa lên hàng đầu. Nếu để chạm chiết, các chạm chiết chỉ có hợp đồng thuê, không đủ vỏ bình, chiết lậu, các bình gas không đảm bảo kỹ thuật.
Tương tự, đại diện Công ty Gas Petrolimex cũng cho rằng, theo Nghị định 19, LPG là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi đầu tư lớn, có tính hệ thống; do vậy các quy định vỏ bình, kho chứa như hiện tại là phù hợp và nên giữ. Tuy nhiên, theo vị này, các cơ quan quản lý không nên cứng nhắc về việc quy định “đồng sở hữu” và quy định cứng một tổng đại lý được ký với bao nhiêu thương nhân, không nên hạn chế người bán và người mua. Thay vào đó cơ quan quản lý cần linh hoạt cho một tổng đại lý được ký hợp tác với một thương nhân, có thể là ba hay bốn thương nhân, tùy vào năng lực của đại lý.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói, các ý kiến của DN kinh doanh khí hóa lỏng đã thay mặt, thể hiện được tâm tư, nguyện vọng của DN và người tiêu dùng. Tuy nhiên, Nghị định 19 thực chất là sửa đổi lại Nghị định 107 trước đây và đã hạ thấp một số điều kiện so với Nghị định 107. Khi xây dựng một văn bản pháp luật sẽ phải đáp ứng nhiều mục tiêu do vậy sẽ có những tác dụng phụ ảnh hưởng đến tỷ lệ DN nào đó. Dù vậy, nghị định mới không phải gây khó khăn cho các DN nhỏ hay nếu DN nào chưa đáp ứng được điều kiện thì vẫn có thể trở thành đại lý cho tổng đại lý và thương nhân kinh doanh. “Chúng tôi mong muốn các DN chưa đáp ứng được các yêu cầu theo Nghị định 19 vẫn nằm ở một chuỗi kinh doanh LPG chứ không có ý định gạt bỏ DN vừa và nhỏ ra khỏi ngành kinh doanh gas” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, cách đây 1 tháng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã rất quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương nhanh chóng tạo điều kiện cho DN kinh doanh gas và các đơn vị này đang tiến hành sửa đổi. Trong quá trình sửa đổi sẽ tiếp tục nghe ý kiến, đóng góp của DN để hoàn thiện hơn.
Giải đáp nhiều thắc mắc về xuất khẩu và quy định của Bộ Công Thương
Liên quan đến chủ trương xuất khẩu gạo, bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch HĐQT Công ty Phước Thành Bảy Mập - cho biết, DN đang xuất khẩu khoảng 3.000 tấn gạo vào Mỹ mỗi năm, nhưng vì là DN nhỏ nên không thể đầu tư vốn nhiều, vùng nguyên liệu lớn nên vào tháng 10 tới DN sẽ hết hạn giấy phép xuất khẩu gạo. Để có thể xuất khẩu, Phước Thành Bảy Mập phải nhờ ủy thác qua một công ty khác, nhưng chưa chắc phía Mỹ chấp nhận công ty này. Bà Nhung kiến nghị, Bộ Công Thương xem xét gia hạn giấy phép xuất khẩu cho DN để công ty có thể tiếp tục bán hàng qua quốc gia này.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trả lời: Nếu tháng 10 công ty hết hạn giấy phép xuất khẩu thì làm đơn xin gia hạn gửi về Bộ và Bộ sẽ xem xét.
Ông Diệp Hồng Khôn - Trưởng ban tuân thủ, Phòng kiểm soát nội bộ và quản lý rủi ro, Công ty Vinamilk - đặt câu hỏi liên quan đến các quy định về quảng cáo tại các địa phương, thời gian áp dụng chương trình quảng cáo |
Tại hội nghị, rất nhiều ý kiến khác của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Hiệp hội Dệt may, Công ty Đạm Phú Mỹ, Công ty Vinamilk... thắc mắc liên quan đến lĩnh vực mà họ đang hoạt động. Với những câu hỏi này, đại diện Vụ Pháp chế, Vụ Thị trường trong nước, Cục Hóa chất… đều đưa ra được những trả lời thỏa đáng.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định: "Bộ Công Thương sẽ không dừng lại ở những cải cách hiện tại mà sẽ tiếp tục lắng nghe, cải tổ những chính sách không phù hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho DN hoạt động" và mong muốn các DN cứ gửi trực tiếp qua bưu điện hoặc email về Bộ Công Thương các câu hỏi và Bộ sẽ giải đáp.
TIN LIÊN QUAN | |