Bộ Công Thương triển khai kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh năm 2023
Hội nghị nhằm giới thiệu kế hoạch hành động của Bộ Công Thương; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương năm 2023 và các năm tiếp theo.
Giảm phát thải khí nhà kính: Nhiệm vụ trọng tâm của ngành Công Thương
Tham dự hội nghị có đại diện các Bộ, ngành liên quan, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm Khuyến công, các đơn vị tư vấn, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Trước đó, ngày 14/12/2022, Bộ Công Thương phê duyệt "Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050". Đây là bước khởi đầu quan trọng cho tiến trình dài hạn đóng góp vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tại Việt Nam. Kế hoạch hành động đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, sản xuất và tiêu dùng bền vững, kiểm soát phát thải khí nhà kính nhằm giảm dấu vết carbon, tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
Kế hoạch hành động xác định ứng phó với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ quan trọng của ngành Công Thương, lấy thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” là cơ hội để phát triển theo hướng các-bon thấp phù hợp với điều kiện quốc gia và xu hướng quốc tế. Các nhiệm vụ, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu phải được lồng ghép trong mọi chương trình, kế hoạch, chiến lược phát triển ngành Công Thương nhằm đảm bảo sự thích ứng linh hoạt với các tác động ngắn hạn, trung hạn và dài hạn do biến đổi khí hậu gây ra, đảm bảo cho sự phát triển, tăng trưởng ổn định của ngành, hạn chế tối đa các thiệt hại do thiên tai, bão lũ, các tác động do thời tiết, khí hậu cực đoan.
“Ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân thuộc ngành Công Thương từ Trung ương đến địa phương và các doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính phải gắn liền với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng, chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Từng bước kiểm soát phát thải khí nhà kính đối với các nguồn phát thải khí nhà kính lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện cho các ngành sản xuất xanh phát triển”, ông Hoàng Văn Tâm, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Ông Hoàng Văn Tâm báo cáo kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương năm 2023 |
Đến năm 2030 giảm 30- 40% khí nhà kính
Theo Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ Công Thương đặt mục tiêu Đóng góp vào mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26, đến năm 2030 giảm 30-40% phát thải khí nhà kính so với kịch bản BAU của ngành Năng lượng, 100% Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính theo Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngành Công Thương tuân thủ quy định về kiểm kê khí nhà kính; Hoàn thiện các quy định, quy trình kiểm kê, kiểm soát phát thải khí nhà kính cho các ngành công nghiệp.
Bộ Công Thương cũng đặt ra mục tiêu giảm thiệt hại do tác động của BĐKH; Nâng cao năng lực thích ứng với thiên tai, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đầu tư công trình,hạ tầng cơ sở công nghiệp, thương mại, năng lượng; lồng ghép các vấn đề trong biến đổi khí hậucác quy hoạch, chiến lược
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp về quản lý, giải pháp khoa học công nghệ, giải pháp về tăng cường hợp tác quốc về và triển khai các giải pháp về đào tạo, tăng cường nguồn nhân lực kết hợp các hoạt động về tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, nâng cao năng lực triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ngành Công Thương, cũng như triển khai các hoạt động kiểm kê, xây dựng, quản lý vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về khí nhà kính của ngành và Cơ sở, phối hợp với cơ quan đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành có liên quan triển khai các chương trình, nhiệm vụ về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận các vấn đề liên quan nhằm thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh. Giải pháp giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của các ngành sản xuất: dệt may, thép, nhựa, hóa chất, rượu bia nước giải khát, giấy,... Theo đó, các ý kiến đều đưa ra giải pháp dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
"Hiện Việt Nam đã cam kết phát thải ròng bằng không để đáp ứng xu thế chung của thế giới, do vậy các doanh nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định mới, trong đó thị trường giao dịch các -bon được coi là công cụ giúp doanh nghiệp giảm phát thải khí nhà kính. Cùng với đó, các Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tại các địa phương cũng phải sẵn sàng chuẩn bị nguồn lực tại chỗ để có thể đáp ứng công việc kiểm định phát thải khí nhà kính. Thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phân bổ lượng khí thải phải giảm cho các doanh nghiệp, ngoài ra các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào châu Âu phải thực hiện chính sách CBAM, do đó, thách thức và áp lực đối với các doanh nghiệp sẽ rất lớn"- ông Tăng Thế Hùng- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho biết. |