Công bố danh sách 29 bảo vật quốc gia vừa được công nhận Rồng trên các bảo vật quốc gia Linga vàng ròng của Bình Thuận được công nhận là bảo vật quốc gia |
Nhằm tiếp tục tôn vinh, quảng bá và giới thiệu những nét đặc sắc, độc đáo giá trị của bảo vật đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, ngày 28/7/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 3): Đồ gốm” gồm 04 mẫu, giới thiệu các hiện vật: Bình gốm Đầu Rằm; Bộ Sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh; Bình gốm Nhơn Thành; Thống gốm hoa nâu.
Mẫu 4-1: Bình gốm Đầu Rằm
Bình gốm Đầu Rằm (hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh) được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 7 - tháng 12/2018. Bình gốm được phát hiện vào năm 1998 tại khu di chỉ khảo cổ học Đầu Rằm (xã Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), là hiện vật gốc độc bản có hình dáng chiếc gùi tre duy nhất của thời đại đồng thau sơ kỳ được phát hiện trong khảo cổ học.
Mẫu 4-2: Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh
Bộ sưu tập bình gốm đất nung Long Thạnh (đang lưu giữ tại Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi) được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 7 - tháng 12/2018. Đây là những di vật trong di tích Long Thạnh - một di tích tiền Sa Huỳnh, có giá trị nổi bật đánh dấu giai đoạn phát triển từ tiền Sa Huỳnh lên đỉnh cao của văn hóa Sa Huỳnh, được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm và nghiên cứu.
Mẫu 4-3: Bình gốm Nhơn Thành
Bình gốm Nhơn Thành (đang được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ) được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 7 - tháng 12/2018. Bình gốm được phát hiện ở di chỉ Nhơn Thành còn trong tình trạng nguyên vẹn, là tiêu bản bình có vòi còn nguyên vẹn nhất trong Văn hóa Óc Eo. Hiện vật đã phản ánh được sự hội tụ, kết tinh đỉnh cao của kỹ thuật thủ công chế tác gốm, cũng như tư duy thẩm mỹ độc đáo, có sự kết hợp từ sự giao thoa văn hóa, tôn giáo giữa văn hóa bản địa của cư dân Óc Eo ở Đồng bằng sông Cửu Long với bên ngoài (Ấn Độ) giữa vào giữa thiên niên kỷ I.
Mẫu 4-4: Thống gốm hoa nâu
Thống gốm hoa nâu (hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia) được công nhận là Bảo vật Quốc gia đợt 5 - tháng 12/2016. Di vật hiện vật độc đáo điển hình được phát hiện tại khu di tích đền Trần, đây là khu di tích lịch sử quan trọng của quốc gia có nhiều dấu ấn văn hóa, lịch sử thế kỷ XIII - XIV, là quê hương cũng là kinh đô thứ hai của Vương triều Trần - Vương triều Phong kiến thịnh trị và vẻ vang nhất trong suốt tiến trình lịch sử dân tộc.
Bộ tem có khuôn khổ tem 37 x 37 (mm), có giá mặt lần lượt là 4000đ, 4000đ, 4000đ, 6000đ, do họa sỹ Nguyễn Du (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam) thiết kế, được cung ứng trên mạng lưới Bưu chính từ ngày 28/7/2024 đến ngày 30/06/2026.
Trước đó, các bộ tem chủ đề Bảo vật quốc gia đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành, gồm: Bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 1): Đồ đồng” gồm 04 mẫu, được phát hành vào ngày 01/10/2018; Bộ tem “Bảo vật quốc gia (bộ 2): Đồ vàng” gồm 04 mẫu, được phát hành vào ngày 31/7/2021.