“Báo hóa” tạp chí điện tử là sai luật
Trả lời câu hỏi về tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (đoàn Nam Định), làm gia tăng hiện tượng gây sách nhiễu đối với các cá nhân, tổ chức và chính quyền địa phương, cùng nhiều biểu hiện tiêu cực khác, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đây là hoạt động sai Luật Báo chí.
Hiện việc quản lý báo chí thông qua tôn chỉ, mục đích, vì báo chí là cơ quan ngôn luận của cơ quan chủ quản, mà mỗi cơ quan chủ quản đều có lĩnh vực hoạt động của mình. Thứ hai, trong luật ghi tạp chí khác báo chí ở chỗ, tạp chí tập trung vào chuyên ngành và định kỳ. Vừa qua có tình trạng một số tạp chí xa rời việc này, cũng đi điều tra, làm phóng sự, đưa tin thời sự, chính trị… như vậy là đi vượt quá tôn chỉ, mục đích cũng như quy định về tạp chí.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng năm đầu tiên tham gia hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội (Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội) |
Mới đây, Bộ Thông tin và truyền thông đã có buổi họp với Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Chính phủ, Hội Nhà báo về chuyện này và đưa ra những giải pháp. Giải pháp có 2 ý, một là về mặt quy định pháp luật phải tường minh, rõ ràng câu chuyện thế nào là chuyên ngành, thế nào là định kỳ. Hiện Thủ tướng Chính phủ đã ký quy hoạch các cơ quan báo chí, khi quy hoạch, cấp lại giấy phép sẽ phải ghi rõ tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí một. Tiếp nữa là về trách nhiệm của cơ quan chủ quản báo chí, vừa qua, một số cơ quan chủ quản báo chí, đáng nhẽ phải là đơn vị quản trực tiếp các tờ báo, tạp chí nhưng lại có sự buông lỏng.
Trả lời đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng báo chí “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ", hay giữ tít nhưng thay đổi nội dung..., Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển công cụ phát hiện sửa bài, gỡ bài… Công cụ này hiện nay cũng được Hội Nhà báo, Ban Tuyên giáo, một số Sở TTTT sử dụng. Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng công cụ về lưu chiểu báo chí điện tử… Qua đó, tình trạng nói trên đã giảm đáng kể.
Lừa đảo trên mạng - cần xử mạnh
Nhiều đại biểu bức xúc về vấn đề lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân trên không gian mạng hoặc bị lạm dụng thông tin cá nhân trên môi trường mạng, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cần phải xác định rõ, phương thức lừa đảo qua đâu là chính? Đầu tiên là qua mạng viễn thông, các cuộc gọi hoặc nhắn tin nói rằng, “có một người chuyển thừa kế giá trị nhiều triệu đô, đề nghị nộp một số tiền vào để có thể lấy được thừa kế, v.v..” - rất nhiều câu chuyện đã diễn ra như vậy. Hiện giải pháp, về mặt kỹ thuật là dùng hệ thống chặn, lọc tự động, phối kết hợp với Bộ Công an để cùng xử lý.
Thứ 2 là lừa đảo trên mạng xã hội, việc chặn, lọc này khó hơn, đặc biệt là các mạng xã hội nước ngoài. Vì công cụ để phát hiện những lừa đảo trên không gian mạng, trên mạng xã hội phức tạp và khó phát hiện hơn.
Đại biểu quốc hội tham gia chất vấn tại hội trường ngày 8/11 (Ảnh Trung tâm báo chí Quốc hội) |
“Cũng rất may là chúng ta đã xây dựng được Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia và năng lực xử lý hiện nay là 100 triệu tin một ngày, chúng tôi đang đầu tư nâng cấp thành 300 triệu tin một ngày, với công cụ AI (trí tuệ nhân tạo), chúng ta có thể sàng lọc và phát hiện được một số biểu hiện của việc lừa đảo” – Bộ trưởng cho biết.
Về thể chế, hiện hình thức xử lý đối với loại hình này khá nhẹ, chỉ mang tính răn đe, hoặc dựa vào giáo dục nhiều hơn; tuy nhiên kinh nghiệm quốc tế cho thấy là nên xử mạnh.
Đối với người dân, theo Bộ trưởng Hùng: “Mỗi một cá nhân phải có kỹ năng sống trên không gian mạng”. Bởi, nếu như trước đây, chỉ có 1 nguồn tin chính thống thì hiện có hàng triệu thông tin trên không gian mạng, ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng xã hội. Nếu như người dùng có kỹ năng phân biệt tốt xấu thì tự nhiên cái xấu không có cơ hội tồn tại.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong 2 tháng vừa qua, Bộ đã mạnh tay, gỡ, hạ 207 website mạo danh, trong số này có 46 trang là có tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chỉ cách đây 2 ngày, Facebook đã công bố chặn quảng cáo chính trị đối với 21 trang chống phá Nhà nước Việt Nam, trong đó có cả những trang tuyên bố là khủng bố.