Thủ tướng Chính phủ: Nhiều điểm mới trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về nguồn lực đất đai |
Tại phiên Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng nay 28/10, giải trình ý kiến của đại biểu về công tác quản lý đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định, đây là vấn đề hết sức quan trọng và bày tỏ sự đồng tình, thống nhất về nhận xét của đại biểu về những vấn đề tồn tại, bất cập hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà |
Về nguyên nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, khi Trung ương thông qua Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao và trong Báo cáo tổng kết về Luật Đất đai (sửa đổi) đã nêu rõ các tồn tại, yếu kém và được đại biểu chỉ ra tại phiên họp này.
Theo Bộ trưởng, trước đây có 28.155ha đất bị lãng phí đất đai do dự án chậm tiến độ, dự án treo, và trong thời gian qua đã giải quyết được 10.000ha, hiện nay còn khoảng 18.000ha.
“Nguyên nhân do chậm giải phóng mặt bằng, quy hoạch thay đổi, các nhà đầu tư lựa chọn trước đây kém năng lực nên không đầu tư được; pháp luật đất đai và pháp luật có liên quan có sự chồng chéo. Ngoài ra còn có dự án vi phạm pháp luật do cơ quan quản lý, người quản lý, do có kết luận của thanh tra, bản án có hiệu lực của tòa, ý kiến của Ủy ban kiểm tra…" - Bộ trưởng nêu.
Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy- đoàn Thái Bình cũng đề cập đến chuyện tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn còn nhiều khó khăn. Theo đại biểu, các cơn sốt đất tràn về nông thôn khiến giá đất tăng cao, tâm lý lâu đời người nông dân giữ đất dù đã "ly hương", coi đất đai như "cuốn sổ bảo hiểm", dẫn đến cơ hội cho việc tích tụ và tập trung đất đai ngày càng khó khăn. Hệ quả là thực trạng người nông dân giữ đất bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất để sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu, tại sao quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm chạp như vậy; người nông dân không tự nguyện dồn điền đổi thửa để tổ chức lại sản xuất. Nguyên nhân là từ thể chế còn những nút thắt, lực cản. Đại biểu cho rằng, việc xem xét, sửa đổi Luật Đất đai sẽ đưa ra được giải pháp mang tính chiến lược, thông qua việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, tăng cường quản lý, khắc phục tình trạng thoái hóa, suy giảm chất đất.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu trong việc sửa đổi Luật Đất đai. Trong đó, từ nay đến năm 2024 nên ban hành các nghị quyết của Quốc hội, hoặc nghị định của Chính phủ về các vấn đề liên quan tại địa phương, theo thẩm quyền đưa ra cơ chế giải quyết những vấn đề tồn tại, vướng mắc phổ biến hiện nay đối với 4 tỉnh, thành phố lớn với hơn 2.000 dự án. Đồng thời sau đó tính toán triển khai đối với các địa phương khác trong cả nước. Chủ trương nhất quán là bám sát nguyên tắc không làm thất thoát tài sản, nguồn lực từ đất đai của Nhà nước, không hợp thức hóa những sai phạm.
Bộ trưởng cũng cho biết, việc sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ tập trung vào các công cụ như quy hoạch, kế hoạch, định giá và hầu hết các phương thức giao đất là đấu thầu và đấu giá để đảm bảo công khai, minh bạch…
Giải trình về các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, đây vấn đề hết sức gay gắt, phức tạp và trở thành vấn đề sống còn. Vì vậy, Việt Nam đã thể hiện cam kết khẳng định trách nhiệm tại Hội nghị biến đổi khí hậu, đó là một con đường để Việt Nam vượt qua thách thức của chính mình.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định của Chính phủ về giảm phát thải, Sơ đồ điện VIII theo hướng cơ cấu năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang triển khai các chính sách chuyển đổi xanh, kinh tế carbon thấp, ưu tiên triển khai các dự án xanh…
Trước đó, phát biểu thảo luận, Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách) phân tích, khác với nhiều nước sở hữu tư nhân, Việt Nam quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước quản lý. Vì vậy, quyền lực được trao gửi cho bộ máy nhà nước rất lớn.
Dù đạt một số kết quả, công tác quản lý đất đai đang đối mặt nhiều thách thức, hiệu quả sử dụng không cao. Thu ngân sách về đất liên tục tăng, nhưng chủ yếu là thị trường sơ cấp, trong đó 67% từ tiền sử dụng đất, 12% từ tiền thuê đất. Số thu tăng thêm từ đầu tư trên đất không cao.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, toàn quốc có 743 triệu m2 đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, tiền thu được rất thấp, chỉ 286 tỷ đồng. Giám sát 7 địa phương cho thấy có hơn 1.700 dự án treo, tương đương 12.000 ha đất hoang. Sự thật "rất đau lòng và gây bức xúc với người dân".
Nữ đại biểu cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trong đó có hệ thống pháp luật và trách nhiệm quản lý nhà nước. "Tư duy nhiệm kỳ là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất rất lớn. Qua giám sát, bên cạnh địa phương tích cực thu hồi đất hoang hóa, còn những nơi sau mỗi nhiệm kỳ số dự án treo lại tăng thêm", Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách nói.