Còn chưa rõ nét
Trên thực tế, một số các địa phương đã có sự hiệp lực, các khu công nghiệp đã tập trung ở một số lĩnh vực, tuy nhiên chưa tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng liên kết với các địa phương còn lại trong khu vực. Hình hài về một liên kết vùng trong kinh tế công nghiệp, cũng như trong các tiền đề khác phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội ở miền Trung còn chưa rõ nét.
Bộ trưởng Bộ Công Thương- Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình định hướng từng bước gắn với phát triển xu thế chung của khu vực và thế giới, đặc biệt là trong xu thế phát triển của cách mạng công nghệ 4.0. Hoạt động công nghiệp đã chứng kiến một số cơ sở kinh tế nền tảng rất quan trọng cho lĩnh vực công nghiệp và ngành kinh tế nói chung. Điều này đóng góp đắc lực cho nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho sự phát triển nói chung mà còn tạo ra nền tảng,tiền đề cho công nghiệp hóa, liên kết trong lĩnh vực kinh tế và công nghiệp tại khu vực miền Trung.
“Chúng ta rất cần sự quan tâm và tạo điều kiện cho sự phát triển của kinh tế khu vực miền Trung trong thời gian tới tốt hơn, nhất là dựa trên nền tảng phát triển công nghiệp tạo ra những hiệu ứng lan tỏa”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung |
Về tiềm năng và thế mạnh của khu vực miền Trung, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ, thời gian vừa qua rất nhiều các khu kinh tế, khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao được hình thành. Đồng thời, trong thời gian vừa qua cùng với sự quan tâm của Chính phủ, sự đầu tư hạ tầng, giao thông và liên kết vùng đã được quan tâm và có những bước tiến ban đầu tạo ra những nền tảng quan trọng và thuận lợi tạo ra những liên kết trong ngành kinh tế và ngành công nghiệp.
Đường bộ, đường biển, đường hàng không đang được phát triển hình thành đồng bộ trong đó 4 sân bay có 3 sân bay quy mô Quốc tế và nhiều cảng biển nước sâu quan trọng đáp ứng công suất vận tải biển lớn như Chân Mây, Tiên Sa, Liên Chiểu… đây là điều kiện thiết yếu và những thuận lợi vô cùng quan trọng giúp miền Trung phát triển công nghiệp thương mại mà là hậu cứ quan trọng phát triển cụm công nghiệp và hoạt động đầu tư theo hướng công nghiệp hóa trong khu vực.
Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh chỉ ra vấn đề, nếu nhìn vào con số có thể nhận thấy mặc dù có sự phát triển, tăng trưởng ở một số các khu vực, một số địa phương nhưng phát triển chung và vùng còn ở mức thấp chưa đạt được định yêu cầu tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 đạt 9%/năm theo Quyết định số 1874/QĐ-TTg ngày 13/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
“Một số các địa phương đã có sự hiệp lực, các khu công nghiệp đã tập trung ở một số lĩnh vực, tuy nhiên chưa tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng liên kết với các địa phương còn lại trong khu vực. Vì vậy, hình hài về một liên kết Vùng trong kinh tế công nghiệp, cũng như trong các tiền đề khác phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội ở miền Trung còn chưa rõ nét, chưa có sự quyết liệt. Nhất là trong bối cảnh nước ta đang tham gia toàn cầu hóa một cách chủ động và sâu rộng bằng hàng loạt các hiệp định thương mại tự do và các phương thức hội nhập khác thì năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng tái cơ cấu lại các nền kinh tế nhất là công nghiệp, thương mại… Một số các đơn vị doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân thì năng lực cạnh tranh, năng suất laođộng, trình độ công nghệ và khả năng liên kết trên các chuỗi giá trị chưa thật mạnh mẽ.
Cần giải pháp quyết liệt
Với lợi thế của không gian cửa biển và đường bờ biển dài, không gian lãnh hải rộng lớn thì Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hội tụ đủ những tiêu chí quan trọng để từng bước hình thành khu liên kết này. Đây chính là nền tảng cũng như đột phát để thực hiện tốt Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về Định hướng phát triển sản xuất công nghiệp quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn, 2045 và Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ đó Bộ Công Thương đã có một số nội dung đề nghị phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan đến các cơ chế thí điểm phục vụ tạo ra động lực tăng trưởng trong vùng.
Thủ Tướng Chính phủ thăm gian trưng bày của Tập đoàn FLC tại Hội nghị |
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, miền Trung cần có sự quan tâm của cả vùng trong việc tạo lập các chính sách có đặc điểm tiềm năng lợi thế tương đối với nhau giữa các địa phương trong cả vùng để từ đó có cách tiếp cận sâu hơn và đưa ra những tiêu chí phân công thu hút đầu tư phát triển vật lý để tạo ra lợi thế tổng hợp giữa cả vùng.
Hiện trong các lĩnh vực có tiềm năng, như các ngành công nghiệp gắn với biển, ngành công nghiệp gắn với năng lượng, năng lượng tái tạo, một số ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo có những lợi thế so sánh và có những tiềm năng và cơ sở ban đầu hoàn toàn có thể nhìn nhận trong tổng thể của cả Vùng và có sự phân công để đảm bảo có thể thu hút nguồn đầu tư chưa kể đến định hướng phát triển trong những lĩnh vực có liên quan về nguồn nhân lực, về thị trường và những hình thức khác.
Để có giải pháp bền vững, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề xuất 5 nhiệm vụ cần làm ngay. Theo đó, cần có những biện pháp để cụ thể hóa mục tiêu, chỉ thị, chỉ tiêu cụ thể để phát triển doanh nghiệp công nghiệp tư nhân theo Nghị quyết số 10 của Trung ương tạo điều kiện nâng cao năng lực đội ngũ doanh nghiệp tư nhân, nâng cao nội lực để khai thác các cơ hội hội nhập. Hàng loạt khuôn khổ trong hiệp định thương mại tự do đã tạo lợi thế cho chúng ta, tạo điều kiện thâm nhập phát triển thị trường, thu hút đầu tư phát triển các chuỗi giá trị đặc biệt là hướng tới giá trị gia tăng cao hơn với sự tham gia của các doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân. Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và các tỉnh miền Trung cần có chính sách cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 10 để hướng tới phát triển các doanh nghiệp tư nhân bằng chính những doanh nghiệp chúng ta đã thấy như Trường Hải, FLC… bằng sự đầu tư quy mô, có tính lan tỏa và là đầu tàu có tính liên kết trong phát triển kinh tế khu vực.
Dự án Điện gió Hướng Linh của Tân Hoàn Cầu tại Quảng Trị |
Tiếp đến, xem xét chọn lựa các lĩnh vực phát triển công nghiệp quốc phòng gắn với công nghiệp dân sinh với một số địa phương có tỉnh đặc thù như Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi, Cù Lao Chàm... để đảm bảo khai thác tốt tiềm năng nhưng gắn với phát triển kinh tế công nghiệp, kinh tế xã hội đi liền với an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ tay nghề, đáp ứng cho nhu cầu hội nhập của quốc gia, phục vụ cho phát triển kinh tế phát triển cho khu vực doanh nhiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, các địa phương trong vùng chủ động liên kết chặt chẽ với Bộ Công Thương xây dựng cụ thể phạm vi đối tượng và các mối quan hệ giữa quy hoạch các vùng, mối quan hệ giữa quy hoạch ngành quốc gia do Bộ Công Thương quản lý, quy hoạch các vùng, các tỉnh để bảo đảm sự quy hoạch đồng bộ, liền mạch cũng như cụ thể các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trong phát triển bền vững trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh tế.
Dự án Điện mặt trời Bình Nguyên của Công ty Trường Thành |
Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới những nội dung cụ thể trong chương trình hành động các bộ, ngành phối hợp với các địa phương cùng triển khai thực hiện. Trong điều kiện khuôn khổ và cơ hội các lĩnh vực cụ thể thu hút đầu tư và tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp tư nhân sẽ tiếp tục tăng cường phát huy hiệu quả trong không chỉ hoạt động phát triển và kinh doanh thị trường nội địa mà còn là thị trường khu vực, toàn cầu trên cơ sở tham gia sâu vào chuỗi giá trị.