CôngThương - Thông báo với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông Phạm Xuân Đương– Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên- cho biết, năm 2011, dù tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, song bằng nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, Thái Nguyên đã đạt được những thành tựu khá toàn diện trong phát triển kinh tế- xã hội.
Theo đó, GDP theo giá so sánh đạt 6.958 tỷ đồng; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm tỷ trọng 21,28%; khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 41,77%; khu vực dịch vụ chiếm 36,95% (năm 2010 cơ cấu tương ứng: 21,76% - 41,32% - 36,92%).
Thái Nguyên ngày càng phát triển hiện đại
Trong 18 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế- xã hội chủ yếu có 14 chỉ tiêu hoàn thành và vượt mức kế hoạch, có 4 chỉ tiêu đạt thấp hơn mục tiêu kế hoạch là: tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn ước đạt 9,36% (mục tiêu là 12%); giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 13.200 tỷ đồng, bằng 90,2% (kế hoạch đề ra là 14.640 tỷ đồng); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 2.560 tỷ đồng, tăng 4,34% so năm 2010 (kế hoạch đề ra tăng 6%); giá trị sản xuất ngành chăn nuôi ước đạt 680 tỷ đồng, giảm 1,89% so với năm 2010 (kế hoạch đề ra tăng 9,3%)…
Ông Phạm Xuân Đương cũng cho biết, trên cơ sở những kết quả đạt được, trong năm 2012, Thái Nguyên phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt 11% trở lên; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng 16-17%; tạo việc làm mới cho 16 nghìn lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong năm đạt trên 2%...
“Để đạt được những chỉ tiêu này, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, Thái Nguyên mong muốn tiếp tục nhân được sự quan tâm, chỉ đạo và giúp đỡ hiệu quả về cơ chế, chính sách, vốn của Trung ương và các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công Thương” – ông Phậm Xuân Đương nói và nhấn mạnh: “Chính phủ quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng liên vùng, trong đó chú trọng hệ thống giao thông, thông tin liên lạc”.
Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các giải pháp hạn chế nhập siêu, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp Thái Nguyên nói riêng và các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nói chung ổn định và tiếp tục phát triển. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thép, cơ khí, vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Nguyên đạt được trong năm qua. “Kết quả này một lần nữa khẳng định vị trí quan trọng của tỉnh Thái Nguyên trong khu vực Việt Bắc cũng như cả nước. Đặc biệt là kết quả của hoạt động công nghiệp, thương mại, trong đó có sự đóng góp của ngành Công Thương” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng cho biết, trong những năm qua, Bộ Công Thương dành sự quan tâm đúng mức đến việc phát triển công nghiệp, thúc đẩy giao thương trong cả nước nói chung và Thái Nguyên nói riêng qua nhiều chương trình phát triển công nghiệp trọng điểm, công nghiệp phụ trợ, sản xuất sạch hơn, khuyến công, xúc tiến thương mại… Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình này để góp phần cùng các địa phương hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa.
Sau khi làm việc với Tỉnh ủy Thái Nguyên, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã đi kiểm tra tại công trình Dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ. Đây là dự án khai thác khoáng sản lớn tỉnh Thái Nguyên và của quốc gia. Với diện tích 674 ha, tổng số vốn đầu tư 500 triệu USD, dự án sẽ khai thác, chế biến Vonfram và Đa kim với công nghệ cao.
Ông Nguyễn Thiều Nam- Ủy viên hội đồng quản trị Tập đoàn Massan và Công ty khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo, người trực tiếp phụ trách công tác thi công công trình- cho biết, đến năm 2013 dự án sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên.
Dự án khoáng sản Núi Pháo sẽ cho ra sản phẩm vào năm 2013
Tuy nhiên, hiện dự án đang gặp phải một vài khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch, trong vòng 6 tháng nữa, việc giải phóng mặt bằng sẽ đạt 100% nhằm đảm bảo tiến độ dự án. Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho hơn 1.600 lao động, trong đó có 300 lao động địa phương, đóng góp ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng và tạo giá trị xuất khẩu hàng trăm triệu đô la Mỹ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đánh giá cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của dự án cũng như tinh thần nỗ lực hoàn thành tiến độ của toàn thể cán bộ, công nhân đang thi công công trình.
Tiếp đó, Bộ trưởng đã làm việc với Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Tại đây, Bộ trưởng đã thị sát Dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2- Gang thép Thái Nguyên.
Đây là dự án nhóm A nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2000-2015. Dự án nhằm tăng sản lượng phôi thép tự sản xuất thêm 500 nghìn tấn/năm, với tổng mức đầu tư trên 3.800 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Khâm- Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Gang thép Thái Nguyên: Đến nay, gói thầu EPC số 1 (dây chuyền công nghệ luyện kim khu vực Lưu Xá)- gói thầu chính của dự án, đã bị đình trệ thi công hơn 12 tháng. Về phần xây, dự án mới triển khai thi công được khoảng 65%,
Theo hợp đồng tổng thầu EPC đã điều chỉnh, Tập đoàn xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) chịu trách nhiệm phần E,P và chịu mọi rủi ro liên quan đến hai phần đó. Đối với phần C (xây dựng và lắp đặt), chủ đầu tư TISCO chịu trách nhiệm và mọi rủi ro có liên quan. TISCO đã giao toàn bộ khối lượng công việc phần này cho Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) thực hiện.
Làm việc với Công ty Gang thép Thái Nguyên, Bộ trưởng yêu cầu :"Nếu nhà thầu không làm được thì phải thay”.
Sau hơn 1 năm triển khai thi công (18/11/2009), tiến độ phần xây dựng có xu hướng chậm lai do nhiều nguyên nhân, trong đó quan trọng nhất là nhân lực và phương tiện thi công của nhà thầu phụ không đáp ứng được yêu cầu.
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Khâm đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ có phương án bố trí vốn cho dự án để chi trả cho các nhà thầu.
Trước tình hình đó, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã chỉ đạo trực tiếp Vụ Công nghiệp nặng thu xếp một cuộc họp giữa các bên liên quan trong vài ngày tới. Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý, về phần xây nếu nhà thầu không làm được thì phải thay.
Ngay sau buổi làm việc với Gang Thép Thái Nguyên, Bộ trưởng tiếp tục thăm và làm việc với Công ty TNHH NN MTV Diesel Sông Công và Công ty CP cơ phí Phổ Yên– hai đơn vị thành viên chủ lực của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (Bộ công Thương).
Báo cáo với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, lãnh đạo 2 đơn vị cho biết, năm 2011, dù gặp rất nhiều khó khăn, song cả hai đơn vị đều có bước tăng trưởng khá trong sản xuất, kinh doanh.
Bộ trưởng thăm xưởng sản xuất của Công ty Diesel Sông Công...
Cả hai công ty này hiện là đối tác gia công của nhiều hãng sản xuất ô tô, xe máy lớn của Nhật Bản như Honda, Machino, KONISHI… với các sản phẩm cơ khí chế tạo có hàm lượng công nghệ và độ chính xác cao. Báo cáo với Bộ trưởng, lãnh đạo công ty Công ty TNHH NN MTV Diesel Sông Côngcho biết, năm 2011, đơn vị đã đạt doanh thu hơn 540 tỷ đồng, và dự kiến sẽ tăng lên 580 tỷ đồng vào năm 2012.
Còn theo ông Hoàng Công Toán, Chủ tịch HĐQT- Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí Phổ Yên– năm 2011, đơn vị đã đạt trên 50% tăng trưởng giá trị tổng sản lượng. Trong đó, doanh thu tăng trên 58% với trên 396 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu về lợi nhuận, nộp ngân sách, thu nhập của cán bộ, công nhân viên đều tăng trưởng khá so với cùng kỳ.
Sau khi nghe báo cáo thành tích hoạt động sản xuất- kinh doanh trong những năm qua của hai công ty, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng hoan nghênh các kết quả mà tập thể lãnh đạo và công nhân viên hai công ty đã đạt được trong bối cảnh ngành cơ khí nói chung đang cạnh tranh rất gay gắt về giá cả, mẫu mã.
...và tại nhà xưởng của Công ty CP Cơ khí Phổ Yên
Bộ trưởng đề nghị các công ty, dưới sự chỉ đạo của Tổng công ty, tiếp tục phát triển hướng đi hiện nay, duy trì tốt hơn nữa việc sản xuất, gia công các phụ tùng cho các nhà lắp ráp. Bên cạnh việc sản xuất linh kiện, phụ tùng xe máy, các đơn vị nên tăng cường sản xuất các mặt hàng phục vụ lắp ráp ô tô vì giá trị sẽ lớn hơn và công nghệ cũng như tay nghề lao động sẽ được nâng cao hơn.
“Bộ Công Thương, với vai trò quản lý nhà nước của mình sẽ hỗ trợ tối đa cho các đơn vị thuộc ngành về cơ chế, chính sách. Hiện Bộ đang triển khia nhiều chương trình phát triển công nghiệp, đặc biệt là chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm quốc gia. Vì vậy, các công ty nên chủ động tham gia để tận dụng những hỗ trợ cho phát triển”– Bộ trưởng gợi ý.
Bộ trưởng cũng lưu ý, hiện nay Bộ Công Thương có trên 50 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp với hệ thống hạ tầng, giáo viên, giảng viên có chất lượng. Vì vậy, Công ty Diesel Sông Công và Cơ khí Phổ Yên nói riêng, các doanh nghiệp nói chung cần chủ động liên hệ và xây dựng chương trình đạo tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu của mình.