Bộ Y tế hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế mới Thử nghiệm giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế và giấy hẹn khám lại điện tử |
Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước. Vì thế, sau khi Luật BHYT được ban hành năm 2008, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã họp bàn ban hành quy chế phối hợp trong thực hiện chính sách này. Sau 12 năm triển khai, Quy chế phối hợp đã được tổng kết, đánh giá, sửa đổi phù hợp Luật BHYT qua từng thời kỳ, tình hình kinh tế - xã hội và pháp luật có liên quan.
Thời gian qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thường xuyên hoàn thiện, xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong tình hình mới; thống nhất tăng cường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong xây dựng hệ thống pháp luật về BHYT, tuyên truyền, phổ biến chính sách; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…
Việc phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT đã mang lại những lợi ích cho người dân. Ảnh: TTXVN |
Sau thời gian có những gián đoạn do dịch bệnh, năm 2023, hai cơ quan đã luân phiên tổ chức họp, giao ban để kịp thời thảo luận, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách BHYT.
Đáng chú ý, Bộ Y tế cùng BHXH Việt Nam đã tích cực phối hợp tổ chức hơn 20 cuộc họp giải quyết các vướng mắc trong khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Các cuộc họp đã thống nhất giải quyết căn bản các nội dung vướng mắc thời gian qua. Đặc biệt, tại cuộc họp ngày 17/8/2023, lãnh đạo Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã thống nhất phương án giải quyết 26 nội dung vướng mắc để Bộ Y tế ban hành công văn hướng dẫn hoặc tiếp tục họp giải quyết.
Đồng thời, phối hợp tiếp tục hoàn thiện các dự thảo: Luật BHYT sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; trình cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị về chính sách BHYT trong tình hình dịch bệnh, phát triển chính sách BHYT, nâng cao hoạt động y tế cơ sở; bổ sung nhiều quyền lợi, nhóm được hỗ trợ tham gia BHYT…
Về chỉ tiêu bao phủ BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, hết năm 2023, toàn quốc có trên 93,3 triệu người tham gia, đạt bao phủ 93,35% dân số (vượt 0,15% so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ), là chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội, tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân. Năm 2023 toàn quốc cũng có 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, tăng trên 23,4 triệu lượt so với năm 2022; số chi khám chữa. bệnh BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa hai ngành trong triển khai chính sách BHYT năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024, ngày 24/1, ông Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đánh giá, qua theo dõi của Ủy ban, thời gian qua, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã phối hợp rất tốt, giải quyết được rất nhiều vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT và công tác khám chữa bệnh BHYT. Nhiều vấn đề hai cơ quan đã trực tiếp thảo luận, tháo gỡ kịp thời. Thời gian tới, mong muốn Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, tập trung nâng cao quyền lợi người tham gia, nhất là vấn đề trong cung ứng thuốc, vật tư y tế.
Bộ trưởng Bộ Y tế - bà Đào Hồng Lan cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 là rà soát ban hành chính sách phù hợp, trước hết là Luật BHYT sửa đổi. Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về BHYT, để sử dụng hiệu quả Quỹ. "Để triển khai hiệu quả chính sách BHYT, thời gian tới, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam sẽ nỗ lực phối hợp chặt chẽ, toàn diện hơn nữa trong việc thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh BHYT, để sử dụng hiệu quả Quỹ, phát huy chính sách an sinh xã hội, góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân"- bà Đào Hồng Lan cho hay.
Chia sẻ về những kết quả đạt được trong quá trình phối hợp thực hiện chính sách BHYT, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận, qua việc hoàn thiện thể chế, quy định về BHYT, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong khám chữa bệnh BHYT đã mang lại những lợi ích, chuyển biến lớn, tích cực về phía cơ sở y tế và cả người dân. Xác định mục đích chung của hai ngành là phục vụ người dân trong khám chữa bệnh BHYT, BHXH Việt Nam thống nhất với đề xuất của Bộ Y tế về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng độ bao phủ BHYT, mục tiêu phấn đấu là đạt hơn 94,2%.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cũng lưu ý, hai ngành cần tiếp tục đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong phục vụ công tác khám chữa bệnh BHYT khi số lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng cao. “Những kết quả đạt được là tiền quan trọng, cùng sự phối hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo và các đơn vị hai ngành, năm 2024, công tác quản lý nhà nước và triển khai thực hiện chính sách BHYT sẽ tiếp tục đạt kết quả quan trọng, nổi bật, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn” - ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay.