Một công trình nước sạch không sử dụng được ở bản Xiềng Lằm, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương
CôngThương - Để hoàn thành dự án Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương, Nghệ An), 2.123 trên tổng số 3.022 hộ dân chuyển về khu tái định cư của huyện Thanh Chương tại 2 xã Ngọc Lâm và Thanh Sơn. Tuy nhiên, do bà con còn quen với cuộc sống đánh bắt tự nhiên từ lòng hồ nên chưa tận dụng được những lợi thế của vùng đất mới, vì vậy số hộ nghèo vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Bên cạnh đó, các công trình nước sạch ở hai khu tái định cư Ngọc Lâm và Thanh Sơn lần lượt được đưa vào sử dụng từ năm 2006- 2009 đến nay đã trở nên vô tác dụng. Ông Lô Hoài Dung- Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm- cho biết: 100% công trình nước sạch được đầu tư theo 4 nhánh, phục vụ gần 1.200 hộ dân, đến nay đã hỏng hoàn toàn. Thiếu nước, cuộc sống của bà con hết sức khó khăn, đặc biệt là vào mùa khô khi nguồn nước ở các khe suối cạn dần.
Bản Xiềng Lằm (xã Ngọc Lâm) ngày càng trở nên đông đúc, tình trạng người dân thiếu nước sinh hoạt khá phổ biến. Gia đình anh Vi Văn Hợi chuyển về bản Xiềng Lằm từ năm 2009. “Ai cũng bảo tôi may mắn vì nhà ở cạnh nguồn nước, thế mà dùng chưa được 3 tháng thì nước không chảy về nữa. Từ đó đến nay, hai vợ chồng tôi phải thay nhau vào trong khe để lấy nước”- anh Hợi nói.
Khắc phục tình thiếu nước, Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 và chính quyền địa phương đã hỗ trợ kinh phí, vận động bà con tự đào và khoan giếng lấy nước sinh hoạt. Đến nay, sau hơn một năm triển khai, xã Ngọc Lâm đã có 1.071/1.171 hộ, xã Thanh Sơn có 898/1.110 hộ đã có nước sạch dùng trong sinh hoạt, hơn 6 tỷ đồng đã được giải ngân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn gần 200 hộ dân khác chưa đào được giếng hoặc chưa nhận được tiền hỗ trợ. Việc chi trả cũng gặp một số trở ngại, do người dân lúng túng trong quá trình hoàn thiện giấy tờ để nghiệm thu.
Ông Nguyễn Văn Thành- Trưởng Ban Quản lý dự án Thủy điện 2: Đến thời điểm này, Ban Quản lý dự án Thủy điện 2 đã chuyển 9 tỷ đồng cho UBND huyện Thanh Chương để hỗ trợ người dân đào giếng. |
Để giải quyết dứt điểm vấn đề nước sinh hoạt cho người dân, ông Lê Đình Hà- Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương- khẳng định: Sẽ khoan thăm dò giúp người dân, vận động vài ba hộ chung nhau làm một công trình nước tự chảy thu nhỏ.
Chuyển về nơi ở mới, vấn đề “trồng cây gì, nuôi con gì” cũng đang là bài toán khó cho người dân nơi đây. Ông Lô Hoài Dung- Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm- cho biết, cả xã Ngọc Lâm chỉ có 22 ha ruộng lúa nước ven suối nhưng thường bị xói mòn do mưa lũ tràn về. Không trồng được lúa, bà con quay sang trồng sắn, nhưng chỉ qua mấy vụ là đất bạc màu, sản lượng thu hoạch không được bao nhiêu. Qua thử nghiệm, thổ nhưỡng ở đây thích hợp để trồng chè, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.
Theo UBND huyện Thanh Chương, toàn huyện có 3.600 ha chè, với 63 nhà máy, xưởng chế biến. Mỗi ngày, các cơ sở chế biến chè tại Thanh Chương cần 6.000 tấn chè búp tươi nên thường thiếu nguyên liệu. Nếu 500 ha đất thuộc khu tái định cư trên địa bàn huyện Thanh Chương được đầu tư thành vùng nguyên liệu chè thì không chỉ đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy, mà còn giúp đồng bào dân tộc ổn định đời sống, không bỏ về nơi ở cũ.