Lập kế hoạch chi tiết, xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư 8.769,97 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD), quá trình thực hiện Dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị là 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD.
Bộ GTVT đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông sớm nhất |
Khi thực hiện dự án có nhiều yếu tố tác động như giải phóng mặt bằng (động thổ vào tháng 4/2010 và đến cuối tháng 4/2015 mới có mặt bằng sạch), công địa khảo sát để thiết kế, quy trình thủ tục có sự khác biệt (giữa Việt Nam và Trung Quốc) nên thời gian thực hiện Dự án đã bị kéo dài. Trên cơ sở cam kết của Tổng thầu, Bộ GTVT đã báo cáo và được sự đồng ý của Chính phủ, dự án điều chỉnh hoàn thành trong Quý IV/2018 và vận hành chạy thử từ 3 - 6 tháng đến hết 31/3/2019. Đến nay, dự án vẫn chưa thể hoàn thành, bàn giao vào khai thác thương mại do còn một số tồn tại chính chưa được hoàn thiện, gồm: Thứ nhất,chưa hoàn thành công tác chỉnh trang, hoàn thiện mỹ quan, khắc phục tồn tại kiến trúc các nhà ga, khu depot, hoàn chỉnh hồ sơ hoàn công, thủ tục nghiệm thu; Thứ hai, các thiết bị đã lắp đặt Tổng thầu chưa cung cấp được đầy đủ các chứng chỉ, hồ sơ.... để hoàn tất đánh giá an toàn hệ thống; Thứ 3, chưa hoàn thành đề cương vận hành thử toàn hệ thống để cho tất cả các đoàn tàu chạy thử (thông tin tín hiệu, hệ thống bán vé...) để đồng bộ hóa làm cơ sở kiểm chứng hoạt động của thiết bị và đánh giá độ sẵn sàng của hệ thống, nhân sự vận hành; Thứ tư, Chưa bổ sung đủ hồ sơ quản lý chất lượng nên Tư vấn độc lập đánh giá an toàn hệ thống (Công ty Tư vấn ACT của Pháp) chưa có đủ cơ sở xác định mức độ an toàn của toàn hệ thống và chưa đủ điều kiện để cấp chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, từ tháng 4/2019 đến nay, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng gặp và làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Tổng thầu, các cơ quan ngoại giao phía bạn trong đó có Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam để đôn đốc Tổng thầu khẩn trương hoàn thiện các vấn đề tồn đọng. Các nguyên nhân tồn tại, khó khăn, vướng mắc dẫn đến chưa vận hành, khai thác thương mại dự án đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ động xử lý dứt điểm theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên quá trình làm việc của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường sắt với Tổng thầu chưa đạt được kết quả, đặc biệt là công tác tập hợp hồ sơ của Tổng thầu chưa đáp ứng yêu cầu. Tổng thầu có dự kiến tiến độ hoàn thành nhưng theo đánh giá của Bộ GTVT là chưa khả thi, Bộ đang yêu cầu Tổng thầu khẩn trương lập kế hoạch chi tiết cụ thể đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án sớm nhất. Sau khi chốt được mốc hoàn thành, Bộ GTVT sẽ báo cáo cấp thẩm quyền cũng như thông tin kịp thời đến các cơ quan báo chí.
Đảm bảo tiến độ triển khai thu phí không dừng qua các trạm
Hoạt động của ngành GTVT từ đầu năm đến nay đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, sản lượng vận tải 9 tháng ước đạt 1.244,52 triệu tấn hàng, tăng 8,8%; đạt 3.792,46 triệu lượt hành khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018; khối lượng luân chuyển hàng hóa ước đạt 237,92 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách ước đạt 177,21 tỷ HK.km; tăng 7,4% về luân chuyển hàng hóa và tăng 9,8% về luân chuyển hành khách so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 9/2019, tổng sản lượng vận tải ước đạt 141,81 triệu tấn hàng và 436,64 triệu lượt hành khách; khối lượng luân chuyển hàng hóa đạt 27,4 tỷ Tấn.km, luân chuyển hành khách đạt 21,38 tỷ HK.km
Đến tháng 9/2019, tổng cộng nguồn vốn Ngân sách Nhà nước (NSNN) và trái phiếu Chính phủ (TPCP) đã giao cho Bộ GTVT theo các quyết định là 26.164 tỷ đồng. Sau 09 tháng triển khai, kết quả giải ngân ước đạt 7.732 tỷ đồng, đạt 29,55% kế hoạch đã giao năm 2019. Bộ trưởng đã trực tiếp làm việc với các Ban QLDA thuộc Bộ, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công tác triển khai, giải ngân của các dự án.
Trong tháng 9/2019, các đơn vị đã trình quyết toán 07 dự án vốn NSNN và bổ sung 01 dự án BOT; phê duyệt quyết toán 03 dự án vốn NSNN và thẩm tra quyết toán 02 dự án BOT. Lũy kế từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã trình quyết toán 46/38 dự án NSNN, vượt 21% kế hoạch và 04/05 dự án BOT, đạt 80% kế hoạch; đã phê duyệt quyết toán 26/33 dự án, đạt 79% kế hoạch và thỏa thuận quyết toán 03 dự án, thỏa thuận quyết toán các hạng mục bổ sung của 09 dự án BOT.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, trong những tháng còn lại của năm 2019, Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát, xử lý các tồn tại, bất cập tại các dự án BOT theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Lãnh đạo Bộ; bảo đảm tiến độ triển khai các dự án thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức tự động không dừng, hoàn thành trước 31/12/2019 theo đúng chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ.
Đồng thời, tập trung triển khai các dự án hạ tầng hàng không như Cảng HKQT Long Thành, nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Tân Sơn Nhất, sửa chữa khắc phục hư hỏng của hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn tại Cảng HKQT Nội Bài và Tân Sơn Nhất…