Doanh nghiệp “dễ thở” với quy tắc xuất xứ trong RCEP? RCEP- Những điểm nhìn kinh tế cho Việt Nam hậu Covid-19 Hiệp định RCEP: Doanh nghiệp cần chủ động trong sân chơi kinh tế rộng lớn |
Cơ hội đan xen thách thức cho nông sản
Theo đánh giá của ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, RCEP sẽ mở ra những cơ hội lớn cho ngành nông sản trong tương lai. Đơn cử như tại thị trường Trung Quốc hiện chỉ nhập khẩu 9 loại nông sản, trong khi năng lực của chúng ta đang xuất khẩu tới 26 loại nông sản ra thế giới. Do đó, hiệp hội hy vọng hiệp định này sẽ tạo điều kiện cho các loại nông sản khác như sầu riêng, chanh leo… có cơ hội nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Bước đi chiến lược để ngành nông sản tận dụng lợi thế của Hiệp định RCEP |
Là doanh nghiệp (DN) nông sản có kim ngạch xuất khẩu hàng chục triệu USD/năm, tuy nhiên hiện thị trường chính của Công ty CP XNK MINA hiện là Mỹ và châu Âu, còn các thị trường ở châu Á chưa được chú trọng khai thác. Nay với RCEP, bà Lê Thị Nguyên Thùy - Phó Giám đốc Công ty CP XNK MINA chia sẻ sẽ là cơ hội lớn cho MINA trong việc mở rộng thị trường ở các nước như Trung Quốc, ASEAN. “Sản phẩm nông sản của MINA đã xuất sang những thị trường lớn đòi hỏi chất lượng cao nên vấn đề đáp ứng chất lượng với các nước trong hiệp định này không phải là vấn đề với chúng tôi” - bà Thùy tự tin cho biết.
Cũng như MINA, Công ty Thanh long Minh Phát, Công ty CP Vinamit… khẳng định, khi hiệp định này được thực thi theo lộ trình thuế quan sẽ giảm dần là điều hết sức thuận lợi cho họ. Đặc biệt với một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm trong theo tiêu chuẩn ogranic như Vinamit thì hiệp định này mang đến cho công ty cơ hội tiếp cận thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. “Nhật Bản và Hàn Quốc tuy dân số không cao nhưng GDP rất cao. Thậm chí GDP Nhật Bản còn hơn xấp xỉ cả một quốc gia lớn như Ấn Độ, nên đây là một thị trường rất tiềm năng cho những sản phẩm chất lượng cao” - bà Vũ Quốc Anh Thư - Giám đốc marketing Công ty CP Vinamit cho biết.
Dù có nhiều thuận lợi song theo chia sẻ từ các DN trong ngành này, khi RCEP thực thi chắc chắn các mặt hàng nông sản từ các nước trong hiệp định sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam với số lượng lớn. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ngay chính tại thị trường nội địa. “Khi mở cửa thị trường đồng nghĩa có rất nhiều luồng hàng hóa vào Việt Nam, tạo cạnh tranh về giá mạnh hơn và DN sẽ phải có chiến lược giá phù hợp để cạnh tranh lại” - bà Vũ Quốc Anh Thư đánh giá.
Bên cạnh đó, nhiều năm qua nền nông nghiệp Việt Nam đến hiện tại vẫn làm theo cách truyền thống. Phương pháp hữu cơ, sinh học chưa được nhiều nông dân áp dụng vì chi phí đầu tư lớn. Từ đó, ông Đặng Phúc Nguyên cho rằng, DN trong ngành cần phải thay đổi cách thức sản xuất. Phải làm sao chuyển đổi sang các tiêu chuẩn sản xuất cao hơn như Global GAP…
Vượt thách thức đón cơ hội
Để có thể đương đầu với các thách thức nêu trên, DN trong ngành nông sản đang có những thay đổi từ cách thức sản xuất cho đến cách tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Cụ thể, các DN lớn như Vina T&T, Vinamit… đã và đang thực hiện chuyển đổi tốt khi vừa xuất khẩu, vừa chắc chân tại nội địa. Trong đó Công ty Vina T&T từ năm 2019 đã mở các cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm nông sản đạt chuẩn xuất khẩu cho người tiêu dùng trong nước và được đón nhận tích cực. Hay Vinamit từ những ngày đầu hoạt động đã quy hoạch các vùng nguyên liệu của mình trồng theo tiêu chuẩn organic. Các nhà máy chế biến sâu cũng đạt các tiêu chuẩn cao nhất mà EU hay Mỹ đề ra.
Trong khi đó, nhiều DN khác như Lavifood, MINA, Công ty Chanh Việt… đã triển khai trồng nông sản theo tiêu chuẩn Global GAP, có mã số vùng trồng rõ ràng. Ngoài ra các DN này cũng thiết kế nhà xưởng xử lý sau thu hoạch đạt chuẩn HACCAP… đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm mà các thị trường khó tính đề ra. Với sự chuẩn bị của mình, các DN tự tin vào việc sẽ tận dụng được các lợi thế mà hiệp định này mang lại trong thời gian tới.
Ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, năm 2020, ngành nông sản xuất khẩu đã phải đương đầu với rất nhiều khó khăn. Nếu như đầu năm phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn hàng hóa ở các cửa khẩu, thì cuối năm lại gặp ách tắc trong thuê container đóng hàng. Dù vậy, bằng nỗ lực cố gắng, kim ngạch xuất khẩu của ngành vẫn đạt khoảng 3,3 tỷ USD. Đây là con số tích cực trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay. Kết quả này cùng với những thuận lợi từ RCEP, hiệp hội kỳ vọng trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của ngành sẽ đạt khoảng 4 tỷ USD.