Quang cảnh bế mạc Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI.
CôngThương - Phát biểu bế mạc Đại hội, Bí thư thứ nhất Đảng cộng sản Cuba Raoul Castro cho biết, thực tế Đại hội Đảng lần thứ VI đã được tiến hành trong suốt 5 tháng gần đây kể từ khi toàn thể nhân dân tham gia đóng góp ý kiến cho văn kiện "Dự thảo đường lối chính sách kinh tế và xã hội".
Người dân Cuba đánh giá cao sự thành công rực rỡ của đại hội lần này và đã chứng kiến những thay đổi đầu tiên trong lĩnh vực kinh tế sau Đại hội. Trên thực tế thì nhiều biện pháp về nới lỏng kinh tế, Chính phủ Cuba đã thực hiện từ năm 2008. Những chính sách kinh tế được thực thi sau Đại hội đó là mở cửa để người dân làm chủ những tài sản lớn như nhà đất, ô tô… Những việc mà trước đây chỉ do Nhà nước phân phối và cung cấp. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968, người dân Cuba từng bước làm quen lại với khái niệm “sở hữu tư nhân”.
Đài RFI cho rằng, hơn 30 năm sau Trung Quốc và 25 năm sau Việt Nam, đến lượt Cuba tiến hành công việc cải tổ kinh tế. Sau 50 năm thực hiện một chế độ mà toàn bộ hoạt động kinh tế đều tập trung trong tay Nhà nước, với hơn 80% người trong độ tuổi lao động là những công nhân, viên chức nhà nước.
Trong kỳ đại hội này, chủ đề duy nhất được chính thức ghi vào trong chương trình nghị sự là hiện đại hóa mô hình kinh tế Cuba, bởi một nền kinh tế do Nhà nước chỉ đạo, với năng suất rất kém và khiến nước này đi đến cảnh nợ nần chồng chất. Chính Chủ tịch Raoul Castro cũng đã thừa nhận rằng mô hình đó đã đưa Cuba đến bờ vực thẳm. Ở Cuba, nhiều năm qua đã tồn tại một thị trường chợ đen về bất động sản gây bao khó khăn cho người dân, vì thế người dân Cuba đã đón đợi những cải tổ như một sự cởi trói về mặt kinh tế.
Nới rộng hoạt động khu vực tư nhân, cắt giảm nhân sự trong guồng máy hành chính nhà nước, cởi trói cho nền kinh tế tập trung là những mục tiêu chính thức được thông qua trong kế hoạch đổi mới kinh tế, trong đó về lĩnh vực nông nghiệp, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ Cuba đã quy hoạch 1,8 triệu hecta canh tác cấp cho nông dân với thời hạn 10 năm. Cuba cũng chuẩn bi cắt bỏ sổ mua hàng của nhân dân- một việc làm từ năm 1963 tới nay- là một cải tổ “khá nóng” vì nó gắn trực tiếp đến đời sống thường nhật của người dân. Những việc đó đã chứng tỏ quyết tâm của Cuba trong việc cải tổ về mặt kinh tế đất nước, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ của Cuba.
Mặc dù vậy, La Habana vẫn coi trọng nền kinh tế kế hoạch hóa vì trong bản cương lĩnh đã được thông qua tại đại hội lần này có ghi rằng: “Trong việc hiện đại hóa mô hình kinh tế, kế hoạch hóa vẫn nắm vai trò hàng đầu chứ không phải là thị trường, trong khi xu hướng thị trường cũng sẽ được xem xét cải tổ từng bước đi vững chắc… Vì chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có khả năng vượt qua những khó khăn để duy trì những thành tựu của cách mạng”. Trong nỗ lực nhằm đưa Cuba thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và sửa chữa những sai lầm của quá khứ, Đảng Cộng sản Cuba vẫn trung thành với các nguyên tắc quản lý của xã hội chủ nghĩa. Khi bước vào cải tổ chính sách kinh tế, Chủ tịch Raoul Castro đã đề ra gần 300 biện pháp cải tổ, trong đó nhiều biện pháp đã được thi hành như: tinh giản biên chế nhà nước, cắt giảm nhiều khoản trợ cấp và chi tiêu, mở cửa dần dần khu vực tư nhân. Chính phủ Cuba đã phải đề xuất kế hoạch giảm tới một triệu công nhân, viên chức nhà nước trong vòng 5 năm, kể từ tháng 3/2011. Đây là một quyết định hết sức “nhạy cảm” khi Cuba có tới 5-8 triệu người thuộc diện trên, tương đương với 80-95% người trong độ tuổi lao động.
Theo thống kê chính thức, tỷ lệ thất nghiệp tai Cuba hiện là 1,8%, nhưng theo thẩm định của các viện nghiên cứu quốc tế thì có đến 1/4 dân số trên hòn đảo này không có việc làm. Chủ tịch Raoul Castro đã tìm cách chấn an dư luận rằng, trong công cuộc đổi mới này, Nhà nước không bỏ bất kỳ ai và sẽ đảm bảo 60% lương cho một lao động bị xả thải cho đến khi người đó tìm được việc làm. Đồng thời, Nhà nước Cuba cũng khuyến khích người dân phát triển kinh tế tư doanh cho quyền tự quyết nhiều hơn của doanh nghiệp quốc doanh để họ tự chủ về nhân công và sản xuất.
Ngay từ tháng 10/2010, Nhà nước Cuba đã quy định một danh sách bao gồm khoảng hơn 120 ngành nghề tư nhân có quyền “hoạt động tự do”. Trong Đại hội Đảng vừa qua, danh sách đó đã được mở rộng lên thành 178 ngành nghề khác nhau. La Habana cũng cam kết từ nay đến cuối năm sẽ cấp khoảng 250.000 giấy phép lao động để lĩnh vực kinh tế tư nhân có thể tuyển dụng được khoảng 200.000 công nhân. Ngoài ra, Chính phủ còn dự trù “nới lỏng” các điều khoản nhằm tạo điều kiện cho tư nhân trong việc mở doanh nghiệp, tuyển dụng công nhân.
Theo thống kê chính thức, trong năm 2010, tổng kim ngạch nhập khẩu lương thực của Cuba đã lên tới 1,5 tỷ USD và dự kiến ngân sách dành để mua lương thực trong năm nay sẽ tăng thêm 25% do giá dầu mỏ và thực phẩm thế giới tăng cao. Lương thực, thực phẩm và dầu hỏa luôn là gánh nặng đối với ngân sách nhà nước Cuba.
La Habana đang hướng tới mục tiêu giảm bớt sự lệ thuộc vào lương thực, thực phẩm nhập khẩu. Nhưng Chính phủ cũng phải thừa nhận là “mục tiêu tự lực tự cường về lương thực còn rất xa vời”.
Trong bối cảnh đó, trước hết, Cuba coi việc cải tổ chính sách nông nghiệp để khuyến khích trồng trọt, chăn nuôi, qua đó từng bước đảm bảo lương thực và thực phẩm cho hơn 11 triệu dân. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối là những ưu tiên hàng đầu để chuẩn bị xóa bỏ chế độ cấp sổ mua hàng cho các hộ gia đình vốn được áp dụng từ năm 1963 tới nay. Đây là một cải tổ hết sức quan trọng vì nó trực tiếp gắn với đời sống của người dân.
Cải tổ thứ hai cũng quan trong không kém, có liên quan đến việc hủy bỏ đồng tiền peso chuyển đổi, tức là đơn vị tiền tệ giao dịch quốc tế của Cuba, nhằm từng bước cân bằng nguồn ngoại tệ của nước này.
Và cuối cùng là chế độ phân phối chăm sóc xã hội, Cuba vẫn khẳng định là mọi dịch vụ về y tế, giáo dục và trợ cấp xã hội vẫn được cấp miễn phí cho toàn dân. Như vậy điều này chứng tỏ sự thể hiện tính chất xã hội chủ nghĩa ở Cuba. Cuba cũng cam kết không để tình trạng thất nghiệp và nghèo đói xẩy ra trên đất nước của mình.
Bí thư thứ nhất Raoul Castro đánh giá cao sự tham gia và sự ủng hộ của toàn dân đối với đại hội và nhấn mạnh, việc thực hiện thành công Văn kiện trong tương lai sẽ đảm bảo tính kế thừa cho cuộc cách mạng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba. Đồng thời, cam kết sẽ nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm người đứng đầu Đảng Cộng sản Cuba, đưa đất nước thực hiện thành công tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế, bảo vệ vững chắc chủ nghĩa xã hội.
Người dân Cuba đánh giá cao đường lối đổi mới kinh tế- xã hội gắn liền với kiên định mục tiêu chủ nghĩa xã hội được thông qua tại đại hội lần này và cho rằng, những quyết sách đó đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ nhằm xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh trên “hòn đảo tự do” ở vùng Cariber này.