Bước tiến lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Trải qua 11 lần tổ chức, Triển lãm về ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ (Vietnam Manufacturing Expo - VME) đã mang lại những ý nghĩa tích cực như thế nào đối với DN cũng như ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
Triển lãm VME là sự kiện thường niên tổ chức tại Việt Nam, quy tụ nhiều DN, thương hiệu hàng đầu thế giới, gia tăng cơ hội kinh doanh, nâng cao năng lực sản xuất cho DN ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Qua các kỳ triển lãm tại Việt Nam, chúng tôi đều nhận được phản hồi tích cực từ DN tham gia, theo đó, đây chính là kênh bán hàng, truyền thông hiệu quả với DN, sau các sự kiện DN đều có lượng khách hàng mới, đặc biệt là họ nắm được thông tin, xu hướng thị trường để có chiến lược kinh doanh phù hợp. Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng đánh giá, Triển lãm VME tổ chức tại Hà Nội những năm vừa qua có ý nghĩa rất quan trọng, tạo tiền đề cho các DN Việt Nam trong ngành tăng cường năng lực sản xuất và kết nối với các đối tác quốc tế.
Tại VME năm nay, có 40% là DN trong nước và 60% DN quốc tế tham gia. Trên phương diện là nhà tổ chức, kết nối các DN, ông có thể cho biết về cơ hội cung ứng của DN Việt Nam?
Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng về các lĩnh vực sản xuất công nghiệp trong khu vực. Với xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư cho các ngành sản xuất, lợi thế về nguồn nhân lực, địa chính trị, chính sách hỗ trợ ổn định của Chính phủ, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đã và đang xây dựng nhà máy ở các khu công nghiệp Việt Nam, giúp mở rộng nguồn lực và gia tăng năng lực sản xuất để có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng ở trong và ngoài nước. Trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng có một số thương hiệu, DN có năng lực, khả năng cạnh tranh, tỷ lệ hàm lượng kỹ thuật tương đối tốt, được nâng lên một bước, có mối liên hệ về thương mại. Có nhiều đối tác nước ngoài có nhu cầu về cung cấp linh kiện, sản phẩm với đòi hỏi rất cao và DN Việt Nam đã tham gia, đáp ứng được. Tại triển lãm VME 2019, những cái tên như Hồng Ký, Minh Hòa được DN sản xuất nước ngoài đặc biệt quan tâm, có nhu cầu hợp tác cung ứng.
Thực tế, trong ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đóng vai trò chính vẫn là DN vừa và nhỏ. Theo ông, năng lực của DN cũng như chính sách hỗ trợ DN cần phải cải thiện khâu nào?
Ngành công nghiệp hỗ trợ chiếm tỷ lệ lớn là DN vừa và nhỏ, quy mô nhỏ, nên đến nay đa số vẫn chưa đủ năng lực cung cấp các đơn hàng lớn; trình độ quản lý hạn chế, chất lượng, giá thành sản phẩm cao nên chưa có sức cạnh tranh. Mặt khác, khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, khá nhiều DN Việt Nam chỉ có kế hoạch ngắn hạn, chưa mạnh dạn đầu tư hoặc chứng tỏ năng lực đối với khách hàng, đối tác. Thêm vào đó, dù Chính phủ đã có những chương trình hỗ trợ cho DN, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư công nghệ, nhân lực, marketing để phát triển DN, phát triển thị trường, cải thiện năng lực cạnh tranh. Như Thái Lan, họ có một chính sách về công nghiệp hỗ trợ rất đồng bộ, đơn cử trong ngành công nghiệp ôtô, từ năm 2000, Chính phủ Thái Lan đã có định hướng phát triển rõ ràng, có chính sách hỗ trợ thương mại, xúc tiến thị trường cho DN.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động khẳng định năng lực với các đối tác |
Rõ ràng, so sánh thì DN Việt Nam chưa có lợi thế, theo ông họ có thể cạnh tranh được không?
Khi các DN nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nghĩa là họ luôn muốn mua được linh kiện, phụ tùng trong nước để giảm tồn kho, giá thành, đây chính là cơ hội tốt cho DN trong nước. Nhưng do năng lực hạn chế nên DN trong nước phải cạnh tranh với các nhà cung ứng trong khu vực với nền công nghiệp, công nghệ, năng suất lao động tốt hơn. Do đó, để đáp ứng được đòi hỏi của nhà đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với sản phẩm cạnh tranh DN trong nước cần phải tăng hàm lượng chất xám, trình độ về công nghệ chứ hiện không nên dựa vào nhân công giá rẻ như trước đây. Đồng thời, có nhiều ngách để đi một cách hiệu quả, không cần phải là DN lớn mạnh như Vingroup mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng được, điều quan trọng là đi nhỏ nhưng đúng hướng, biết tận dụng thế mạnh công nghệ, thị trường, con người.
Xin cảm ơn ông!