Giữ vững tốc độ tăng trưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn thực hiện chi trả lương hưu bằng tiền mặt cho người có nhu cầu |
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, ngày 6/6, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nhiều khó khăn, bảo hiểm xã hội các địa phương đã bám sát chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với nhiều chuyển biến, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện công tác thu và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp 5 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm. Ảnh: PC |
Các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ năm 2023. Số liệu cập nhật đến hết ngày 1/6/2024 trên hệ thống Data Warehouse của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho thấy, toàn quốc hiện có số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 17,414 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 14,253 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ năm 2023; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,614 triệu người, tăng 0,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Về kịch bản phát triển người tham gia, theo ông Dương Văn Hào, hiện nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có các văn đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Bảo hiểm Xã hội các địa phương đã bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn, đồng thời có nhiều sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong tháng 5 - Tháng bảo hiểm xã hội toán dân, giúp tỷ lệ phát triển người tham gia tăng cao về bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện có chuyển biến tốt, bảo hiểm y tế có sự tăng trưởng.
"Đặc biệt, trong tạo lập dữ liệu đối tượng tiềm năng thời gian qua mang lại kết quả tốt, làm cơ sở cho việc phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện"- ông Hào cho biết.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ đánh giá, việc cập nhật thường xuyên dữ liệu còn chưa tốt đến từng thôn, bản, tổ dân phố nên đây sẽ là việc bảo hiểm xã hội các địa phương cần tập trung thời gian tới.
Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cũng cần hình thành được cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp chiếm tỷ trọng lớn về thu và đối tượng tham gia trên địa bàn. Hiện nay, mới có 36 địa phương thực hiện được nội dung này, đây là vấn đề quan trọng, cần ưu tiên thực hiện nhằm chủ động hơn trong công tác thu, phát triển bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Việc kiện toàn Ban chỉ đạo các cấp, toàn quốc đã đầy đủ đến cấp tỉnh, huyện và xã. Tuy nhiên qua khảo sát, ông Dương Văn Hào nêu rõ, một số địa phương cơ cấu chưa phù hợp; cần đảm bảo trong cấp huyện có thành viên ở xã, trong cấp xã có thành viên ở thôn, bản để thông tin được tiếp cận thông suốt, đồng bộ kịp thời.
Về rà soát dữ liệu Thuế, các địa phương phản ánh dữ liệu còn trùng lắp, thiếu thông tin. Vừa qua, Tổng cục Thuế đã rà soát, chuẩn hóa dữ liệu Thuế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên vấn đề này sẽ được khắc phục.
Đối với quản lý rủi ro, theo ông Dương Văn Hào, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có nhiều văn bản đánh giá, nhận định, phòng chống. Bảo hiểm xã hội các tỉnh cần quan tâm đến các dấu hiệu để phòng tránh.
"Các tổ chức dịch vụ thu tuân thủ đúng các quy trình, quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam về: Bố trí điểm thu, nhân viên thu, cơ sở vật chất đáp ứng được việc kết nối với cơ quan bảo hiểm xã hội; xây dựng được các mối quan hệ với chính quyền địa phương; không ngừng đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho đội ngũ nhân viên thu…"- ông Hào đề nghị.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: PC |
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thu, phát triển người tham gia 5 tháng đầu năm 2024. Đặc biệt, trong tháng 5 - Tháng bảo hiểm xã hội toàn dân, kết quả có sự chuyển biến rõ, tăng cao so với tháng 4 và cùng kỳ năm 2023 cả về số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế. Trong đó, người tham gia bảo hiểm y tế ngày càng bền vững, Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh, thực tế cho thấy, trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế phối hợp tốt sẽ có kết quả tốt, một mình cơ quan BHXH thì khó có thể làm được. Các tổ chức dịch vụ thu cũng thế, cần có đội ngũ cộng tác viên rộng khắp mới hoàn thành tốt được.
Vì vậy, thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu, bảo hiểm xã hội các địa phương tiếp tục bám sát chỉ đạo của Ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai nhiệm vụ thu, phát triển người tham gia. Đồng thời, bám sát tình hình thực tế trên địa bàn để đưa ra các giải pháp phù hợp từ sớm, từ xa; trong đó, cần làm tốt cơ sở dữ liệu về đối tượng tiềm năng để cùng hệ thống tổ chức dịch vụ thu hướng tới.
Tăng cường phối hợp với các sở, ngành trên địa bàn vì mục tiêu chung phát triển người tham gia, thu đúng, thu đủ, giảm nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vì quyền lợi người dân, người lao động, người sử dụng lao động.
Về kịch bản thu, phát triển người tham gia, từ kịch bản chung của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, bảo hiểm xã hội các địa phương cần hoàn thiện phù hợp với từng địa bàn, từng thời điểm. Đây là cuốn cẩm nang để lãnh đạo, cán bộ liên quan soi chiếu trong thực hiện.
Về Ban chỉ đạo, Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam yêu cầu, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tiếp tục tham mưu, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động các cấp, nhất là cấp xã. "Cơ quan bảo hiểm xã hội phải là “hạt nhân” để xây dựng các hoạt động, kết nối, tăng cường phối hợp giữa các thành viên, giữa các cấp với nhau; quan tâm đến việc kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo cấp trên với cấp dưới"- ông Nguyễn Thế Mạnh đề nghị.