Bộ Công Thương: Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý an toàn hồ đập thuỷ điện, phòng chống thiên tai tại miền Trung |
Lãnh đạo Thuỷ điện Đakđrinh báo cáo với Đoàn công tác về đảm bảo an toàn hồ đập |
Tăng cường công tác chỉ đạo
Trước những diễn biến bất thường thời tiết, nhất là tình trạng mưa bão những tháng cuối năm 2020, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong 2 ngày từ 22-23/10, đoàn công tác do Thứ trưởng Cao Quốc Hưng làm trưởng đoàn đã tới kiểm tra và làm việc với thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4, Đacrinh về quản lý an toàn hồ đập, phòng chống thiên tai.
Đoàn đã kiểm tra thực tế các hạng mục công trình quan trọng như: Đập chính, cửa lấy nước, các tổ máy, nhà vận hành của các nhà máy thuỷ điện và làm việc với ban lãnh đạo các công ty/nhà máy, đơn vị liên quan. Trong đó tập trung vào công tác đảm bảo an toàn hồ đập; vận hành hồ chứa; công tác tổ chức trực ban/ứng trực của Ban phòng chống hiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN); xử lý các tình huống mất an toàn có thể xảy ra, đặc biệt là các tình huống xả lũ khẩn cấp; Công tác báo cáo, phối hợp với địa phương, Ban chỉ chuy PCTT & TKCN địa phương trong việc vận hành hồ chứa; Công tác chuẩn bị các thiết bị vật tư, nhu yếu phẩm thiết yếu tại chỗ phục vụ công tác phòng chống thiên tai như nguồn lực tại chỗ, hệ thống thông tin liên lạc, quan trắc, cảnh giới tại khu vực nguy hiểm đảm bảo cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng, nhất là các tình huống khẩn cấp.
Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, vừa qua khu vực miền Trung đã xảy ra mưa lũ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều địa phương, trong đó có sự cố ở khu vực thuỷ điện Rào Trăng 3. Trong khi đó, tình hình mưa bão vẫn còn diễn biến phức tạp, vì vậy các hồ thuỷ điện cần thực hiện nghiêm quy định vận hành liên hồ chứa; đảm bảo an toàn hồ đập, sẵn sàng các phương án ứng phó với mọi tình huống xảy ra, hạn chế tối đa tác động của thiên tai đến người dân vùng hạ du.
Trên thực tế, công tác PCTT&TKCN, đặc biệt là quản lý an toàn hồ đập thuỷ điện luôn được Bộ chú trọng. Hàng năm, đơn vị đều xây dựng, triển khai kế hoạch PCTT, tổ chức hoặc chỉ đạo các Sở Công Thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát các chủ hồ thuỷ điện về công tác đảm bảo an toàn đập, vận hành, điều tiết hồ chứa hiệu quả, không để ảnh hưởng đến hạ du, nhất là trong mùa mưa bão.
Lãnh đạo Thuỷ điện A Vương báo cáo về an toàn hồ đập tại hiện trường |
Góp phần cắt giảm lũ, hạn chế tối đa tác động đến hạ du
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo của các chủ hồ thuỷ điện A Vương, Sông Bung 4, Đakđrinh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 6 và bão số 7, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 350mm. Lượng mưa trên lưu vực các hồ chứa thủy điện dao động trong khoảng 250 - 550mm. Xuất hiện một số đỉnh lũ trên 1.000m3/s.
Trước thực tế trên, các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như chính quyền địa phương về phòng chống thiên tai như xây dựng phương án ứng phó; kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể trong Ban chỉ huy PCTT&TKCN; kiểm tra bổ sung thiết bị giám sát, quan trắc, ứng dụng công nghệ để dự báo, truyền dữ liệu 24/24 h; tổ chức diễn tập theo tình huống; đẩy mạnh tuyên truyền; báo cáo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân; chuẩn bị sẵn sàng vật tư thết bị, phương tiện, nhân lực sẵn sàng ứng phó với sự cố xảy ra. Đặc biệt đã tuân thủ quy trình vận hành liên hồ chứa theo chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Trong những đợt mưa bão từ đầu năm đến nay, các hồ thuỷ điện cũng đã góp phần cắt giảm lũ cho người dân nhờ sự chủ động dự báo tình hình thuỷ văn, đăng ký vận hành sản xuất tối đa để tăng dung tích dự phòng đón lũ.
Các hồ thuỷ điện miền Trung điều tiết nước theo chỉ đạo của địa phương |
Đơn cử như Thuỷ điện A Vương đã vận hành đến mực nước đón lũ thấp nhất 370m lúc 6h00 ngày 10/10/2020 và đã cắt, giảm lũ cho hạ du 2 đợt. Ngày 13-14/10 tiếp tục hạ mức nước và đã cắt, giảm lũ cho hạ du đợt 3 từ 16h00 ngày 17/10/2020 đến 24h00 ngày 18/10/2020. Bên cạnh đó, qua công tác theo dõi thường xuyên các thông số quan trắc đập, hồ chứa cho thấy đập, hồ chứa vận hành ổn định , bảo đảm điều kiện an toàn. Nhà máy đã vận hành bình thường.
Tương tự, trong thời gian từ 7/10 đến 18/10, hồ thuỷ điện Sông Bung 4 đã vận hành cắt giảm lũ 3 đợt với hàng trăm triệu m3, chiếm xấp xỉ 50% lượng nước lũ về hồ.
Còn tại Quảng Nam, trước tình hình mưa lũ, Thủy điện Đakđrinh đã liên tục chủ động báo cáo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tình Quảng Ngãi để xin ý kiến vận hành hồ chứa trên cơ sở theo dõi dự báo khí tượng thủy văn.
Trong cơn bão số 6, lưu lượng về hồ chứa thủy điện Đakđrinh lớn nhất đạt 1005,8 m3/s. Mức nước hồ trong và sau cơn bão dao động ở mức 400-403m, vẫn thấp hơn mực nước dâng bình thường là 410m.
Từ chiều 18/10 đến nay, Đakđrinh thực hiện điều tiết hồ chứa theo yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi, trong đó tiến hành nâng cửa van cung đập tràn vận hành điều tiết hồ chứa đảm bảo lưu lượng xả tràn tối đa là 99,06 m3/s; lưu lượng xả về hạ du tối đa là 143,64 m3/s.
Hiện hồ chứa thủy điện Đakđrinh đạt dung tích 218,3/248,5 triệu m3, đạt 88% dung tích toàn bộ), tức dung tích hồ còn thiếu khoảng 30,2 triệu m3. Trong cơn bão số 6, Thủy điện Đakđrinh đã thực hiện vận hành cắt, giảm lũ cho hạ du khoảng 64 triệu m3.
Báo cáo về công tác giám sát, vận hành tại thuỷ điện sông Bung 4 |
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện Sở Công Thương Quảng Nam cho biết, công tác phòng chống thiên tai, phối hợp thông tin, vận hành liên hồ chứa giữa Sở và các nhà máy thuỷ điện lớn trên địa bàn, đặc biệt là A Vương, Sông Bung 4, đã được triển khai tốt. Hàng năm, Sở đã phối hợp thành lập đoàn liên ngành kiểm tra toàn bộ các hồ đập trước mùa mưa bão và các hồ đã nghiêm túc tuân thủ các quy định.
Đại diện Sở Công Thương Quảng Ngãi, hiện trên địa bàn tỉnh có 10 dự án thủy điện đang vận hành với công suất 248 MW, 4 dự án đang thi công. Trong mùa mưa bão, Sở đã yêu cầu các thuỷ điện đang xây dựng ngừng công tác thi công để đảm bảo an toàn.
Hàng năm trước mùa mưa bão, Sở đã phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác an toàn tại các thuỷ điện và các chủ hồ đã thực hiện khá tốt. Trong đó, thuỷ điện Đakđrinh đã thực hiện nghiêm túc các quy định, đảm bảo nhà máy vận hành an toàn và chưa để xảy ra sự cố về xả lũ.
Về quy trình vận hành liên hồ chứa đã thực hiện có hiệu quả góp phần cắt giảm lũ và chống hạn trên địa bàn. Đặc biệt, năm 2017-2019, khi Quảng Ngãi không có mưa, hạn hán kéo dài, các hồ thủy điện đã luân phiên nhau mở xả để cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.
“Nếu không có lượng nước này, diện tích lúa của nông dân gần như phải bỏ hoang suốt mấy năm”, ông Nguyễn Đức Huy - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ngãi chia sẻ.
Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã và đang chỉ đạo rà soát, đánh giá tất cả các dự án thuỷ điện trên sông Trà Khúc; đồng thời đánh giá toàn diện những mặt được, chưa được về quy trình vận hành liên hồ để báo cáo Bộ Công Thương, Chính phủ.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì buổi làm việc tại Công ty Thuỷ điện Đakđrinh |
Không được chủ quan lơ là, sẵn sàng với mọi tình huống
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị Cục, Vụ thuộc Bộ Công Thương đánh giá cao phương án ứng phó tình huống khẩn cấp mà các thuỷ điện đã xây dựng và triển khai. Đồng thời đóng góp thêm ý kiến nhằm giúp các đơn vị làm tốt công tác ứng phó với mưa bão trong thời gian tới.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, dù đã đạt được kết quả nhất định, đăc biệt công tác phối hợp nhịp nhàng với địa phương triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai của hai nhà máy thuỷ điện, không chỉ giúp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh tại đơn vị mà còn góp phần cắt giảm lũ trong những đợt mưa bão từ đầu năm, hạn chế thiệt hại cho hạ du.
Tuy nhiên trước tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp, các nhà máy thuỷ điện cần tiếp tục bám sát tình hình thời tiết, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản ứng phó, đặc biệt địa hình Quảng Nam, Quảng Ngãi có vùng đồi núi chiếm diện tích tự nhiên, tiềm ẩn nguy cơ lũ lớn, sạt lở.
Thứ trưởng nhấn mạnh, đây là thời điểm không được phép lơ là, phải nâng cao cảnh giác hơn bao giờ hết và các đơn vị phải nâng mức chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó thiên tai lên gấp rưỡi, gấp đôi, thậm chí cao hơn nữa, bao gồm cả các thủy điện lớn và nhỏ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng |
Trong đó lưu ý công tác dự báo lũ, vấn đề sạt trượt khối lượng lớn trên đường giao thông, đường vận hành; tăng cường lực lượng ứng trực; chuẩn bị phương tiện liên lạc, báo cáo kịp thời; đồng thời cần đẩy mạnh vấn đề thông tin tuyên truyền, cảnh báo cho người dân vùng hạ du.
Thứ trưởng cũng đề nghị chính quyền các cấp, nhất là Sở Công Thương địa phương cần căn cứ tình hình thực tiễn, tăng cường phối hợp, chỉ đạo, giám sát, hỗ trợ các chủ hồ thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về PCTT&TKCN, trong đó có vấn đề an toàn hồ đập, vận hành quy trình liên hồ, đơn hồ theo quy định với mục tiêu cao nhất là không để ảnh hưởng, tác động đến người dân vùng hạ du; Chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu, đặc biệt lương thực thực phẩm, cho người dân nói chung, trong đó có cả cán bộ công nhân viên tại các thủy điện, trong trường hợp không may xảy ra mưa lũ.
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục bám sát tình hình, tăng cường chỉ đạo quản lý để đảm bảo an toàn trong vận hành các nhà máy thủy điện, sẵn sàng phương án ứng phó thiên tai.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng: Các chủ hồ không được chủ quan, lơ là với công tác phòng chống thiên tai mà phải đảm bảo an toàn hồ đập thuỷ điện, chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực theo phương châm 4 tại chỗ để ứng phó với thiên tai trong mọi tình huống. |