Các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam: Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến công
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo hoạt động khuyến công 6 tháng đầu năm 2017 của 20 tỉnh, thành phố phía Nam, bà Đỗ Thị Minh Trâm - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương - cho biết: Trong 6 tháng qua, các hoạt động khuyến công tại khu vực phía Nam đã tập trung vào đào tạo nâng cao năng lực quản lý, khởi sự doanh nghiệp (DN); tổ chức hội nghị tập huấn cho hơn 730 người với kinh phí giải ngân 279 triệu đồng (đạt 5,6% kế hoạch). Tập trung vào các nội dung như kỹ năng quản trị DN, quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao kỹ năng tiếp cận các mạng lưới phân phối, nâng cao năng lực ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ thông tin trong hoạt động khuyến công.
Đối với hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, trong nửa đầu năm nay, đã có 1 mô hình trình diễn kỹ thuật; hoàn thành 48 cơ sở công nghiệp nông thôn được chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào dây chuyền sản xuất công nghiệp với số tiền hỗ trợ gần 6,7 tỷ đồng.
Các địa phương cũng đã tổ chức hỗ trợ gần 99 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ trong cả nước, hỗ trợ 37 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng đăng ký thương hiệu với số tiền hỗ trợ thực hiện các hoạt động khuyến công trên là gần 2,2 tỷ đồng…
Bà Đỗ Thị Minh Trâm- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương |
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp địa phương, các hoạt động quản lý nhà nước về khuyến công cũng ngày càng được củng cố. Đa phần các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm hỗ trợ các hoạt động phát triển công nghiệp tại các địa phương. Hoạt động khuyến công đã bám sát mục tiêu, kế hoạch của chương trình khuyến công quốc gia cụ thể hóa bằng các dự án, đề án. Qua đó, góp phần tích cực trong triển khai thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước như Nghị quyết 19/NQ-CP hay Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, Cục Công nghiệp địa phương cho rằng, các hoạt động khuyến công tại phía Nam vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án của một số địa phương còn hạn chế, chưa đa dạng, ít các đề án mang tính liên kết vùng, chuỗi liên kết và tính lan tỏa cao. Đặc biệt, tiến độ thực hiện kế hoạch của một số nội dung trong công tác khuyến công còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp (mới đạt 18,8%)…
Bên cạnh đó, công tác phối hợp kiểm tra, giám sát, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện chưa được chú trọng, hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp của một số địa phương còn chưa được đẩy mạnh, nguồn thu thấp, số lượng dự án và doanh thu từ hoạt động tư vấn chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh của các trung tâm khuyến công…
Nâng cao hiệu quả khuyến công cuối năm
Để nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương tham dự cho rằng: Cục Công nghiệp địa phương, Bộ Công Thương cần thường xuyên mở các lớp bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn cho cán bộ phụ trách khuyến công về kỹ năng xây dựng đề án, thẩm định nội dung và kinh phí hỗ trợ, khởi sự cho DN, quản lý DN; các chương trình mang tính đặc thù công nghiệp nông thôn để từ đó tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác khuyến công, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của cơ sở công nghiệp nông thôn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương nên rà soát và thống nhất với Bộ Tài chính xem xét, quy định lại nội dung chi, nâng mức chi hỗ trợ một số nội dung quy định tại Thông tư liên tịch số 26/2014/TTLT-BTC-BCT: Chi hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp; chi hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp; chi hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới...
Theo đại diện Sở Công Thương Bình Phước, đối với dạng đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất, đề nghị được lập theo nhóm đối tượng thụ hưởng để chủ động hơn trong công tác xây dựng kế hoạch và triển khai dự án.
Ngoài ra, các Sở Công Thương cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, rút ngắn thời gian xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án khuyến công để sớm triển khai các hoạt động khuyến công.