Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn còn đang bỡ ngỡ, chưa thực sự sẵn sàng nhập cuộc do những hạn chế về nhiều mặt, đặc biệt là nguồn lao động.
82% DN Việt ở vị trí nhập cuộc
Từ cuối năm 2017, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh toàn diện tác động và tính sẵn sàng của các DN ngành Công Thương trong việc tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4.
Kết quả công bố mới đây cho thấy, phần lớn các DN sản xuất công nghiệp Việt Nam mới đứng ở điểm xuất phát, có tới 82% các DN của ngành đang ở vị trí mới nhập cuộc, trong đó tới 61% còn đứng ngoài cuộc.
Trong số 6 trụ cột đánh giá tính sẵn sàng tiếp cận với cuộc CMCN lần thứ 4 gồm: Chiến lược và tổ chức, nhà máy thông minh, vận hành thông minh, dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu; sản phẩm thông minh và người lao động, các DN Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột, đặc biệt là những trụ cột có vai trò quan trọng nhất như chiến lược và tổ chức, sản phẩm thông minh.
Chia sẻ cụ thể về kết quả này, tại Hội thảo “Phát triển nền sản xuất thông minh: Tầm nhìn và giải pháp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Chiến lược và cơ cấu tổ chức thực hiện được đánh giá là trụ cột có vai trò quan trọng nhất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy 81,3% DN chưa có chiến lược tiếp cận cuộc CMCN lần thứ 4, mức độ sẵn sàng là 0,14.
Bên cạnh đó, mặc dù DN ngành Công Thương đã quan tâm tới đầu tư, đổi mới công nghệ nhưng mức đầu tư rất hạn chế. Phần lớn đầu tư trong 2 năm qua cũng như dự kiến trong 5 năm tới của DN chỉ ở mức khoảng 1 tỷ đồng, tương đương dưới 50.000 USD. Trong khi, cũng theo số liệu khảo sát này có tới 52% DN bắt buộc phải thực hiện đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để xây dựng các nhà máy thông minh. Hay về phát triển các sản phẩm thông minh và dịch vụ dựa vào dữ liệu, điểm sẵn sàng của sản phẩm thông minh là 0.08 (so với thang điểm 5) với 93% DN đứng ngoài cuộc…
Chính sách công nghiệp cần tập trung cho lao động
Giáo sư Santosh Mehrotra, Chủ tịch Trung tâm lao động, Trường Đại học Lawahalal, Nehru, New Delhi đánh giá, Việt Nam hiện đã đạt kết quả đáng kể trong các ngành ô tô, đồ điện tử, kinh doanh nông nghiệp, dệt may và may mặc. Tuy nhiên, khi kết nối các chuỗi giá trị toàn cầu, nhìn chung, Việt Nam đảm trách bước sản xuất sử dụng công nghệ thấp nhất, đầu vào do Việt Nam sản xuất ra và bán cho các quốc gia khác đem lại giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, công nghệ mới đặt ra nhu cầu mới đối với người lao động cùng tốc độ thay đổi đòi hỏi phải điều chỉnh nhanh chóng.
Theo Giáo sư Santosh Mehrotra, điều quan trọng lúc này là Việt Nam cần tập trung vào giáo dục và đào tạo để phát triển năng lực cho các công việc phức tạp đòi hỏi trình độ nhận thức và thao tác nâng cao, trí thông minh sáng tạo và những công việc được xem là khó tự động hóa.
Ngay tại hội thảo, một số DN cũng đã chia sẻ quan điểm cũng như kinh nghiệm chiến lược quy trình và ứng dụng công nghệ cao. Ông Võ Quang Huệ - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup khẳng định, điều quan trọng nhất để những kế hoạch tương lai của VinFast thành hiện thực là yếu tố con người. Chính vì thế, song song với việc xây dựng các nhà máy sử dụng công nghệ cao, VinFast đã mở trung tâm đào tạo nhân lực nhằm chuẩn bị đủ đội ngũ của mình khi các nhà máy chính thức đi vào hoạt động.
Ông Nguyễn Vũ Lưu - Trưởng ban Chiến lược, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, nhân lực vẫn là yếu tố cốt lõi với DN Việt Nam trong CMCN 4.0. Tuy nhiên, học sinh Việt Nam có những thành tích tốt, nhưng kỹ năng lao động lại có vấn đề. Điều nay đặt ra chương trình đào tạo phải linh hoạt, thay đổi phù hợp với yêu cầu mới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: “Giải pháp tiếp cận của ngành Công Thương trong cuộc CMCN 4.0, bên cạnh việc tập trung vào đổi mới, nâng cấp nền sản xuất hiện đại, tận dụng những cơ hội và hấp thu nhanh chóng các công nghệ, xu hướng phát triển mới. Ngành sẽ đặc biệt ưu tiên phát triển nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của một nền sản xuất thông minh và hiện đại trong tương lai”. |