Cần mở rộng mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện |
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: BHXH được coi là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần quan trọng trong thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với quan điểm tiếp cận BHXH là quyền an sinh xã hội mang tính phổ quát, gắn với mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ toàn dân theo lộ trình phù hợp.
Tuy nhiên, hiện cả nước mới có hơn 14,6 triệu lao động tham gia BHXH, chiếm khoảng 1/4 lực lượng lao động. Con số này quá thấp và mất cân đối khi Việt Nam là quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh và tỷ trọng lao động phi chính thức lớn.
Dù vậy, phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy, để mở rộng BHXH tới toàn thể người lao động (NLĐ) là việc khá khó khăn và phức tạp, vì thu nhập của NLĐ thường không ổn định. Ngoài ra, mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít nên chưa thuận tiện cho NLĐ tham gia. Bên cạnh đó, còn do NLĐ ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng về già…
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee phân tích thêm, thách thức đặt ra là làm thế nào có thể mở rộng độ bao phủ đến "nhóm ở giữa bị bỏ sót" - nhóm người không được tiếp cận cả với BHXH và trợ giúp xã hội. Do vậy, ông Chang-Hee Lee khuyến nghị, Việt Nam nên thực hiện cải cách tham số, bao gồm tăng tuổi nghỉ hưu và giảm tỷ lệ thay thế. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống BHXH đa tầng dựa trên các kinh nghiệm tích cực từ mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế; mở rộng an sinh xã hội cho những người trong khu vực phi chính thức thông qua kết hợp giữa chương trình có và không đóng góp nhằm hướng tới bao phủ an sinh xã hội toàn dân.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng thống nhất ý kiến, cải cách chính sách BHXH cần dựa trên nền tảng những kết quả đã đạt được. "Việc cải cách tham số nhằm hướng tới tương quan đóng - hưởng trong chính sách hưu trí đã được đặt ra trong quá trình hoàn thiện pháp luật về BHXH và gần đây nhất là Luật BHXH sửa đổi năm 2014. Tuy nhiên, trước bối cảnh già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0 làm cho Quỹ hưu trí vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ khó cân đối trong dài hạn", ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH - nhấn mạnh.
Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam: Dư địa tài khóa để mở rộng an sinh xã hội luôn tồn tại, dù ở các quốc gia không có tiềm lực tài chính mạnh. Chính phủ Việt Nam cần khai thác mọi phương án tài chính để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững thông qua việc làm bền vững và an sinh xã hội. |