Số liệu thống kê cho biết, năm 2016, số doanh nghiệp (DN) hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang có xu hướng phát triển khoảng 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện và hơn 1.500 DN sản xuất nguyên vật liệu cho ngành dệt may, da giầy (chiếm 4,5% tổng số DN của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo). Các DN CNHT tạo việc làm cho hơn 550.000 lao động, với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh trong năm tăng 20,9% so với năm 2015.
Theo đánh giá, một số DN sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như: Sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn… Các sản phẩm đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. DN CNHT trong nước ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.
Tuy nhiên, hiện trong 1.800 DN sản xuất phụ tùng, linh kiện chỉ có khoảng hơn 300 DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Các năm qua, số lượng các DN thành lập mới trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn chưa nhiều. Do không có nhiều nhà cung cấp nên các DN sản xuất sản phẩm cuối cùng khó có thể tìm mua phụ tùng, linh kiện trong nước mà phải nhập khẩu hoặc tự sản xuất.
Bên cạnh đó, các sản phẩm CNHT trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp. Đặc biệt, tuy đã tự chủ được một số loại sản phẩm CNHT cung cấp cho thị trường trong nước, xuất khẩu, vẫn còn nhiều sản phẩm CNHT cần được hỗ trợ để phát triển như: Chất bán dẫn, mạch in, khuôn nhựa trong ngành điện tử…
Ngoài ra, một số sản phẩm CNHT trong nước vẫn chưa đủ năng lực cạnh tranh, chủ yếu là sản phẩm hóa dầu như nhựa, cao su nhân tạo, sợi nhân tạo; các sản phẩm CNHT có hàm lượng công nghệ cao vẫn chủ yếu do các DN FDI cung cấp. Trong khi đó, cơ hội mở ra rất lớn đối với các ngành như ô tô, điện tử, dệt may và da giầy, nhưng các DN công nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực để cung cấp linh kiện, phụ tùng đáp ứng các yêu cầu của khách hàng cho các chuỗi sản xuất toàn cầu ở trong nước.
Năng lực tổ chức quản lý sản xuất và công nghệ, kỹ thuật của phần lớn của các DN CNHT Việt Nam còn rất hạn chế. Ít DN có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực. Trong đó, khu vực dệt may và da giày mới phát triển khá ở sản xuất phụ kiện, còn sản xuất vải, xơ sợi, da thuộc đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế chủ yếu do DN có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Một điểm nghẽn khác rất được quan tâm đối với DN CNHT trong nước chính là chất lượng nguồn nhân lực. Dù Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với 54% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng trên 67% số lao động ở khu vực nông thôn có trình độ thấp. Vì vậy, các DN chế biến, chế tạo và CNHT gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng lao động đáp ứng được các yêu cầu, đặc biệt là lao động tay nghề cao. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, có kỹ năng rất thấp và luôn trong tình trạng khan hiếm. Đội ngũ quản lý, lãnh đạo DN cũng đầy bất cập trong khi đây là nhân tố quyết định đường lối, chiến lược kinh doanh và vận hành của DN…
Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu cải thiện năng lực sản xuất cho DN DNHT trong nước là hết sức quan trọng. Đây cũng là yêu cầu tất yếu để tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các DN, hạn chế nhập siêu về linh kiện, phụ tùng phục vụ sản xuất, lắp ráp trong nước; có chính sách, cơ chế hỗ trợ để DN trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo đó, đề xuất được nhiều chuyên gia, DN đưa ra là xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN CNHT và cụm liên kết nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp tại Việt Nam; xúc tiến kết nối đầu tư tại thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do nhằm đa dạng hóa và mở rộng thị trường xuất khẩu, qua đó tạo cơ hội cho các sản phẩm CNHT.
Đặc biệt, trước sự bùng nổ công nghệ thời kỳ 4.0, việc ứng dụng các thành tựu CNTT, tự động hóa để nâng cao trình độ sản xuất, giảm giá thành sản phẩm cũng là giải pháp quan trọng.. Về nhân lực, cần đẩy nhanh chuyển dịch lao động tay nghề thấp sang tay nghề cao; xây dựng cơ chế, ưu đãi nhằm khuyến khích thúc đẩy liên kết giữa cơ sở đào tạo với DN, gắn kết giáo dục với thị trường lao động…
Để cải thiện năng lực cho DNCNHT, cần tháo gỡ thêm một số khó khăn quan trọng như: Tài chính, chính sách thuế, hỗ trợ công tác xử lý môi trường… bởi đây là những điểm nghẽn mà hầu hết DNtrong nước đang gặp phải trong quá trình hoạt động. |