Cần quan tâm hơn đến công tác giám sát tính an toàn hệ thống tổ chức tín dụng
CôngThương - Giai đoạn 2006-2010: Kinh tế vĩ mô vẫn thiếu vững chắc
Thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ trình bày tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XIII, Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) đánh giá cao hiệu quả điều hành kinh tế của Chính phủ thể hiện bằng tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 7%, mặc dù thấp hơn so với kế hoạch đề ra nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh bị tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Báo cáo thẩm tra cũng ghi nhận, hầu hết các mục tiêu thiên niên kỷ cam kết với quốc tế đều hoàn thành, trong đó, công tác giảm nghèo đạt kết quả khả quan, được thế giới đánh giá cao.
Bên cạnh đó, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội đã phát huy hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa thông tin có bước phát triển, quốc phòng, an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của nước ta trên trường quốc tế được nâng cao.
Tuy nhiên, UBKTQH cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong điều hành kinh tế của Chính phủ trong giai đoạn 2006-2010. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh và đề nghị phân tích, đánh giá sâu sắc việc huy động ngân sách nhà nước trong giai đoạn vừa qua. Giai đoạn 2006-2010, thu ngân sách đạt cao, với mức trung bình 28,4%/GDP so với kế hoạch 21%-22%/GDP. Nhưng chính việc này đã làm giảm tích lũy của doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42,7%/GDP, đã vượt xa kế hoạch đề ra, làm mất cân đối lớn giữa đầu tư và tiết kiệm, dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai và làm gia tăng nợ quốc gia.
Trong khi đó, hiệu quả nền kinh tế giai đoạn 2006-2010 giảm so với giai đoạn trước, cụ thể: giai đoạn 2001-2005, tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội là 39%/GDP, tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%, còn giai đoạn 2006-2010 tỷ lệ tổng vốn đầu tư toàn xã hội 42,7%/GDP nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân lại thấp hơn, chỉ đạt 7%. Đặc biệt, hệ số ICOR (thất thoát trong đầu tư) giai đoạn 2001-2005 là 5,1 thì đã tăng lên 6,3 trong giai đoạn 2006-2010. Ủy ban Kinh tế phân tích, chính những hạn chế này là một trong những nguyên nhân dẫn đến hệ quả kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, đồng tiền Việt Nam mất giá mạnh trong khi hầu hết các đồng tiền khác đều lên giá so với USD.
Ngoài ra, còn làm lạm phát tăng cao, dư nợ tín dụng tăng nhanh, thâm hụt thương mại, nhập siêu kéo dài, bội chi ngân sách trong nhiều năm ở mức cao, nợ công tăng đã đến ngưỡng an toàn trong khi hiệu quả đầu tư công thấp, đặt ra những lo ngại về quản lý và trả nợ trong trung hạn và dài hạn...
UBKTQH đề nghị Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ, sớm khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan như báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội.
Sớm khắc phục những hạn chế trong điều hành kế hoạch kinh tế - xã hội
Mặc dù đánh giá: “Trong những tháng đầu năm 2011, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 5,8% - 6%, những vấn đề bất ổn kinh tế vĩ mô trong những tháng đầu năm 2011 bước đầu đã chuyển biến theo hướng tích cực” và “An sinh xã hội về cơ bản được bảo đảm, nhất là ở khu vực nông thôn”. Song, Ủy ban Kinh tế Quốc hội vẫn “phê” rằng, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu, chưa đảm bảo tính ổn định và bền vững, nhất là trong tình hình kinh tế thế giới tiếp tục còn diễn biến phức tạp, khó lường và nền kinh tế trong nước bộc lộ khó khăn ngày càng sâu sắc hơn.
Theo Chủ nhiệm UBKTQH - Nguyễn Văn Giàu, bên cạnh những hạn chế, yếu kém mang tính cơ cấu, tích tụ từ những năm trước, những khó khăn mới phát sinh do tác động mặt trái của việc thực thi các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thì những hạn chế trong chỉ đạo, điều hành cần phải được tập trung khắc phục sớm trong thời gian tới. Cụ thể, trong số 6/22 chỉ tiêu dự báo không đạt theo Nghị quyết của Quốc hội, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn năm 2010 và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao so với chỉ tiêu Nghị quyết của Quốc hội và mục tiêu điều hành của Chính phủ.
Hơn nữa, lạm phát cao ngoài nguyên nhân tác động giá cả thế giới tăng còn nguyên nhân do việc tăng giá nhiều mặt hàng trong nước cùng một lúc như điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu, than và điều chỉnh tỷ giá. “Những chỉ báo về giảm điện năng tiêu thụ và tăng lượng hàng tồn kho là những tín hiệu đầu tiên cảnh báo nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với ổn định kinh tế vĩ mô chưa vững chắc và nếu kéo dài sẽ tác động xấu đến phục hồi tăng trưởng” - ông Giàu nhấn mạnh.
UBKTQH cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, một số chỉ tiêu tuy đạt hoặc vượt kế hoạch, nhưng thiếu vững chắc, như: thu ngân sách nhà nước; tỷ lệ huy động so với GDP đang ở mức cao; nhập siêu có xu hướng giảm nhưng số tuyệt đối vẫn còn lớn gây áp lực lên thị trường ngoại hối; các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được thực hiện một cách đồng bộ, nhất là cắt giảm đầu tư công chưa nhiều và chưa công khai các công trình kém hiệu quả.
Từ những đánh giá, phân tích về những hạn chế, yếu kém của kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2011, UBKTQH đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn nữa mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Trong điều hành chính sách những tháng cuối năm 2011 đặc biệt lưu ý Chính phủ cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lạm phát, tỷ giá và lãi suất, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Tiếp tục kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức thấp và điều chỉnh cơ cấu tín dụng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu.
Chính phủ cũng cần quan tâm hơn nữa đến công tác thanh tra, giám sát tính an toàn hệ thống tổ chức tín dụng. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách năm nay chủ yếu để giảm bội chi ngân sách, dự phòng tăng chi bảo đảm an sinh xã hội và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh phát sinh ngoài dự toán. Kiểm tra và xử lý tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, dừng đầu tư đối với dự án qua kiểm tra xét thấy không hiệu quả và có biện pháp xử lý dứt điểm và tiếp tục các biện pháp giảm nhập siêu, cùng với các biện pháp tăng xuất khẩu cần kiểm soát hiệu quả để giảm nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng xa xỉ, những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.