Cần chiến lược về giải mã công nghệ
Phát triển công nghệ nội sinh là vấn đề quan trọng đối với Việt Nam hiện nay, để thu hẹp khoảng cách về KH&CN, góp phần đưa đất nước thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Một giải pháp hiệu quả là nhập khẩu công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ các nước công nghiệp phát triển từng bước tiến hành làm chủ, nội địa hóa công nghệ cũng như sử dụng các chuyên gia trong và ngoài nước để chuyển giao tri thức và xây dựng nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao.
Tại hội thảo, các doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu giải mã và làm chủ công nghệ như Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh; Công ty Cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí; Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp; Bkav Corporation; các chuyên gia công nghệ, cán bộ quản lý đã chia sẻ kinh nghiệm, bài học thành công, thất bại của hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ cũng như đặc thù của hoạt động giải mã công nghệ.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN cần chủ động, phối hợp để xác định nhu cầu công nghệ trong nước, tìm kiếm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài về Việt Nam, nâng cao năng lực KH&CN để có thể giải mã, làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ. Các đề xuất về cơ chế, chính sách và ưu tiên các sản phẩm thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo và cơ điện tử; đầu tư tiềm lực KH&CN để hỗ trợ hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ. |
Tuy nhiên, để triển khai và thực hiện thành công hoạt động này là cả một chặng đường gian nan trước mắt. Khó khăn đầu tiên vẫn là tài chính. Việc nhập công nghệ dưới dạng sáng chế, thiết kế, giải pháp công nghệ, bí quyết kỹ thuật là rất khó đối với các doanh nghiệp và cũng giải thích tại sao các doanh nghiệp Việt Nam vẫn thiên về nhập khẩu thiết bị, máy móc hơn là đi sâu vào phần công nghệ để nghiên cứu, tích hợp và tiến tới làm chủ, sáng tạo công nghệ. Qua đánh giá trình độ công nghệ trong nhiều ngành kinh tế ở Việt Nam cho thấy mức đầu tư cho các hoạt động thích nghi công nghệ nhập khẩu mới đạt khoảng 0,5% doanh thu, trong khi con số này ở Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 5 – 10%. Nhờ chiến thuật “Giải mã công nghệ” mà Đài Loan đã vươn lên vị trí top đầu thế giới về công nghệ qua việc mua bản quyền công nghệ từ Mỹ và Nhật để phát triển. Hiện nay, Đài Loan là công xưởng lớn gia công các phần mềm, công nghệ cho thế giới với thương hiệu được khẳng định: “Made in Taiwan”.
Bên cạnh đó, năng lực hấp thu công nghệ còn thấp đã dẫn đến hạn chế khả năng giải mã và làm chủ công nghệ nhập khẩu. Đó là chưa kể đến việc công nghệ nhập khẩu thường lạc hậu khoảng 10 - 15 năm do thiếu thông tin, kỹ năng, kinh nghiệm trong việc tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn công nghệ nhập thích hợp, đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ… Chính vì vậy, sự cần thiết phải có chiến lược về giải mã công nghệ được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết.
Để thúc đẩy hoạt động giải mã, làm chủ công nghệ cần có sự đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật với các phòng thí nghiệm, trang thiết bị chuyên dụng, nguồn nhân lực chất lượng cao gồm đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi và cần có sự liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN và khuyến khích từ nhà nước.