Những yếu tố nào tác động tới kích cầu tiêu dùng nội địa trong năm 2024? Các địa phương tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa |
Khu vực dịch vụ, nhất là tiêu dùng nội địa đóng góp khoảng 75%-80% của tăng trưởng năm 2023. Các chuyên gia kỳ vọng năm 2024 tiêu dùng nội địa tiếp tục hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này phải có những giải pháp căn cơ để tạo hiệu ứng cho kích cầu.
Liên quan vấn đề này, tại phiên thứ nhất của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề “Kích cầu tiêu dùng nội địa” do Báo Người Lao Động tổ chức ngày 19/12, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Tổng giám đốc Saigon Co.op đã có những đề xuất cho ngành bán lẻ trong năm 2024.
Ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ những điểm cần lưu ý cho bán lẻ trong năm 2024 |
Theo đó, ông Nguyễn Anh Đức nêu ra một số điểm cần lưu ý của ngành trong 2023 và kiến nghị một số giải pháp thúc đẩy phát triển bán lẻ trong năm 2024. Cụ thể, năm 2023 là năm đầu tiên chứng kiến làn sóng của các đơn vị ngoại giao, Tham tán thương mại các nước Đông Âu vào Việt Nam và làn sóng này vẫn đang tiếp diễn. Cũng trong năm 2023 thị trường xuất hiện những khủng hoảng đơn cực về những sản phẩm cụ thể và gạo là một ví dụ. “Dự kiến sẽ còn khủng hoảng ở những mặt hàng khác khi các quốc gia bắt đầu dự trữ chiến lược một số mặt hàng như đường và dầu ăn. Thậm chí khi có mâu thuẫn xung đột nội bộ giữa các thị trường sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam vì thế việc cân nhắc các mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài và các giao dịch rất quan trọng đối với doanh nghiệp bán lẻ”- ông Đức lưu ý.
Một lưu ý khác, theo ông Đức, hợp tác ngoại giao đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế rất phát triển. Qua những tuyên bố chung về APEC, ASEAN+… đã tạo nên những xúc tiến rất lớn. Vì vậy, cần thiết tận dụng lại những quy hoạch liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, quan hệ hợp tác để các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội này cụ thể hơn nhằm vận hành kinh doanh.
Thị trường bán lẻ 2023 hồi phục mạnh về cuối năm |
Ngoài ra, nững chính sách vĩ mô trong năm 2023, cụ thể là quan hệ giữa lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỉ giá ngoại tệ cũng tác động rất lớn đến ngành bán lẻ. Do vậy cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường.
“Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng chúng tôi kiến nghị năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Chẳng hạn, Nhà nước có thể có chính sách giảm giá trực tiếp cho thuê mặt bằng để tạo sự sôi động cho thị trường…”- ông Đức đề xuất.
Một điểm quan trọng khác, được Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nêu ra đó là: Giai đoạn 2022-2023, lần đầu tiên chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á (theo nghiên cứu của Nielsel) và cần phải ổn định công ăn việc làm cho người dân để cải thiện chỉ số này. “Không chỉ niềm tin người tiêu dùng ở mức thấp mà năm 2023 tỷ lệ đóng góp của các nhà bán lẻ thuần Việt giảm xuống còn 1/3. Đây là con số đáng quan ngại mà các nhà bán lẻ Việt cần phải chú ý đầu tư hơn trong 2024”- ông Đức nói.
Ông Trần Lệ Nguyên - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn KIDO: Chúng tôi đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để bán hàng. Cụ thể là việc kết hợp với TikTok lập kênh E2E (giải trí và livestream bán hàng). Cùng với việc phối hợp với TikTok, KIDO cũng sẽ phối hợp Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai bán hàng qua thương mại điện tử tới các chợ truyền thống khác, mục tiêu là bán được hàng. Ông Phạm Nguyễn Thái Huy - Phó Tổng Giám đốc Gigamall Việt Nam: Song song với việc tập trung mảng kinh doanh hàng hóa, Gigamall cho ra đời rất nhiều mô hình dịch vụ. Đặc biệt từ nay đến 2024, chúng tôi sẽ cải tạo và mang nhiều mô hình lần đầu có tại Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhãn hàng có môi trường kinh doanh ổn định, phục vụ tốt cho khách hàng. Bởi, ngoài hàng hóa thì yếu tố sống còn đối với các trung tâm thương mại là dịch vụ. |