Kon Tum: Đề xuất thí điểm trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng Sâm Ngọc Linh: Cây xoá đói giảm nghèo, mở ra hướng đi mới cho huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum |
Huyện Tu Mơ Rông được biết đến là vùng đất sâm Ngọc Linh của tỉnh Kon Tum. Hiện huyện đã và đang từng bước xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, thương mại hoá sản phẩm và đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum ra thị trường trong nước và quốc tế.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum.
Xin ông cho biết thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã có những chương trình, hoạt động nào nhằm bảo tồn, quảng bá, phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh trên địa bàn?
|
Thời gian qua, huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng ban chức năng và UBND các xã tăng cường vận động, tuyên truyền cho người dân giữ gìn nguồn gen gốc của sâm Ngọc Linh thông qua việc không mua bán, trao đổi những cây sâm không rõ nguồn gốc, sâm ngoại lai tràn vào thị trường.
Thứ hai, huyện đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường tổ chức kiểm tra đối với các hộ trồng sâm, mua bán sâm và định kỳ nhắc nhở bà con không tiêu thụ, mua bán sâm giả trên thị trường.
Thứ ba, huyện đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại các vườn sâm và lấy mẫu xác suất để kiểm định xem các cái vườn sâm này có đảm bảo chất lượng không.
Thứ tư, huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức các phiên chợ sâm Ngọc Linh nhằm đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá các sản phẩm đặc hữu và thông qua hội chợ đã tạo được tiếng vang về phát triển dược liệu nói chung và sâm Ngọc Linh nói riêng trên địa bàn.
Địa phương đã có những định hướng gì để sâm Ngọc Linh phát triển bền vững trong thời gian tới, thưa ông?
Hiện nay, huyện Tu Mơ Rông đã có nghị quyết và kế hoạch phát triển cây sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu trên địa bàn gắn với du lịch và xác định đây là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hiện, huyện đã làm việc với các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn, đồng thời xúc tiến kêu gọi các đơn vị doanh nghiệp tăng cường đầu tư phát triển cây sâm trên địa bàn huyện. Trong thời gian qua, huyện đã kêu gọi và phát triển được hơn 1.700 ha và đã quy hoạch hơn 30.000 ha để phát triển vùng Sâm Ngọc Linh.
Hiện nay, mô hình liên kết tốt nhất đó là Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum, ngoài ra các đơn vị khác đã tổ chức liên kết với người dân hình thành các tổ hợp tác để phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Huyện Tu Mơ Rông đã quy hoạch hơn 30.000 ha để phát triển vùng sâm Ngọc Linh |
Để sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện phát triển bền vững, huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hội chợ, hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư để đẩy mạnh tuyên truyền về dược liệu quý trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành vận động người dân quản lý tốt vùng trồng của mình, xây dựng hồ sơ pháp lý để thuận tiện hơn trong việc quản lý. Hơn nữa, huyện sẽ tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền và vận động các doanh nghiệp vào đầu tư để chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh để người dân được hưởng thụ các sản phẩm tốt từ loại cây này.
Mới đây, Chính phủ ký thông qua “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045”, điều này sẽ tác động như thế nào trong việc phát triển sâm Ngọc Linh tại huyện Tu Mơ Rông?
Đối với huyện Tu Mơ Rông, Quyết định 611 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045 sẽ tạo điều kiện rất tốt để phát triển sâm Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia và từng bước vươn ra thị trường thế giới. Ngoài ra, đây cũng là cơ sở tạo nguồn lực để địa phương phát triển mạnh hơn vùng sâm Ngọc Linh ở trên địa bàn. Đặc biệt, chương trình sẽ tạo điều kiện để người dân tham gia và phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm.
Việc phát triển sâm Ngọc Linh tại địa phương đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì? Ông có những đề xuất đến các cấp, ban ngành để sâm Ngọc Linh phát triển hơn nữa trong thời gian tới?
Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh tại địa phương vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc nhất định. Hiện nguồn giống và giá cây giống đang ở mức cao, để người dân phát triển được thì nhà nước cần hỗ trợ nhiều hơn nữa về nguồn lực, các nguồn vốn vay ưu đãi để người dân tham gia trồng phát triển cây sâm Ngọc Linh.
Khách tham quan và mua sắm tại phiên chợ Sâm Ngọc Linh |
Hơn nữa, các cấp, ngành cần tăng cường trong công tác chỉ đạo để xử lý nghiêm việc mua bán sâm giả tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng, làm mất uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh. Để làm được việc này buộc phải có sự vào cuộc các nhiều cấp ngành bởi việc buôn bán trên không gian mạng rất khó để quản lý. Ngoài ra, huyện cũng đề nghị với tỉnh Kon Tum trên cơ sở quyết định 611 của Thủ tướng Chính phủ, sớm cụ thể hóa chương trình để tạo nguồn lực để người dân phát triển.
Huyện cũng đề xuất các cơ quan bộ, ngành sớm đánh giá, công nhận sâm Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia, cây quốc kế dân sinh. Đặc biệt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến luật bảo vệ rừng, phát triển dược liệu dưới tán rừng cũng như phát triển du lịch dưới tán rừng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!