Kon Tum: Đề xuất thí điểm trồng Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng Phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 |
Bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) cho biết việc đầu tư phát triển dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện cũng như xu hướng phát triển của xã hội. Tuy nhiên, cần có nhiều cơ chế chính sách hơn nữa để thu hút đầu tư gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên địa bàn, từ đó tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn.
Vuasanca đã có cuộc trao đổi với Bà Y Thanh - Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei về xung quanh vấn đề trên.
Thời gian qua, huyện Đăk Glei đã có những chương trình, hoạt động nào nhằm bảo tồn, quảng bá, phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh trên địa bàn?
|
Được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, Sở, ngành có liên quan, tạo điều kiện cho địa phương phát triển dược liệu, đặc biệt là phát triển cây Sâm Ngọc Linh. Thời gian qua, UBND huyện đã tham mưu Huyện ủy xây dựng Chương trình, kế hoạch, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo cho các xã, thị trấn triển khai thực hiện, đồng thời định hướng cho các địa phương tập trung đầu tư phát triển sản xuất gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển các sản phẩm có thế mạnh của từng địa phương, nhất là phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện. Việc này đã mang lại rất nhiều hy vọng cho một hướng đi mới, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện cũng như xu hướng phát triển của xã hội.
Trong thời gian qua, công tác giới thiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh nói riêng và sản phẩm dược liệu địa phương nói chung được triển khai mạnh mẽ thông qua các buổi triển lãm, hội chợ, hội thảo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... nhiều Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về dược liệu đã được thực hiện và nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, là Hội nghị đầu tư, phát triển Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác; Trưng bày, triễn lãm chuyên đề “Di sản Văn hóa và Sâm Ngọc Linh Kon Tum - Báu vật đại ngàn” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia…
Mới đây, Chính phủ vừa thông qua “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng tới năm 2045”, điều này sẽ tác động như thế nào trong việc phát triển Sâm Ngọc Linh tại huyện Đăk Glei?
Được sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ, mới đây Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được thông qua, đây là những cơ sở quan trọng nhằm đẩy mạnh phát triển cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, những năm gần đây, việc phát triển Sâm Ngọc Linh được người dân nhiệt tình hưởng ứng, đã góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Đến nay, tổng diện tích Sâm Ngọc Linh toàn huyện đạt 34,77 ha, tăng 29,47 ha so với năm 2020 (5,3 ha).
Ông Thái Văn Tưởng - Bí thư Huyện ủy Đăk Glei (phía trong) tham quan mô hình trồng Sâm Ngọc Linh |
Tuy nhiên, đây cũng sẽ là một thách thức lớn. Hiện phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện chủ yếu của các nhóm hộ gia đình tự đầu tư phát triển với diện tích manh mún. Chính vì thế, trong thời gian tới, cần có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư gắn với sản xuất, chế biến sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên địa bàn; tạo nhiều sản phẩm có giá trị lớn.
Bên cạnh đó là việc tuyên truyền, quảng bá cần phải đủ mạnh. Cần có những nhà đầu tư tâm huyết, đủ lực trong việc sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, về lâu dài phải có sự liên kết với người dân để tạo ra câu chuyện người dân và doanh nghiệp cùng nhau sản xuất, tạo nên nguồn nguyên liệu lớn, bền vững, hình thành nên các hợp tác xã, tổ hợp tác.
Để Sâm Ngọc Linh tại Đăk Glei phát triển mang tính bền vững trong thời gian tới, địa phương có những đề xuất gì để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thưa bà?
Để bảo tồn, quảng bá phát triển thương hiệu Sâm Ngọc Linh, huyện Đăk Glei tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm Sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu khác; đẩy mạnh tìm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm dược liệu thông qua việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp, điểm bán hàng nông sản đặc trưng, sản phẩm OCOP; tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại, triển lãm...; hỗ trợ các chủ thể xúc tiến như Hợp tác xã, tổ hợp tác... trong chuỗi liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm; tích cực phối hợp, hợp tác với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại.
Vườn Sâm Ngọc Linh |
Tiếp tục tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển sản xuất giống Sâm Ngọc Linh, đồng thời gắn liền với công tác bảo tồn, nguồn gốc, chất lượng Sâm Ngọc Linh; quản lý chặt chẽ nguồn giống gốc, giống dược liệu địa phương có giá trị đặc hữu tại địa phương. Bên cạnh đó, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các Sở ngành của tỉnh triển khai công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận nguồn giống, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ đối với cây thuốc quý hiếm.
Để Sâm Ngọc Linh huyện Đăk Glei phát triển bền vững, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh, quan tâm kêu gọi các doanh nghiệp đảm bảo về nguồn lực đến khảo sát, đầu tư phát triển Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác gắn với chế biến và thực hiện liên kết với người dân trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm Sâm Ngọc Linh và dược liệu khác.
Đồng thời, kính đề nghị các cấp ngành trung ương sớm triển khai cơ chế trồng thí điểm Sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đặc dụng để thu hút các nhà đầu tư đến khảo sát, đầu tư và phát triển Sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện.
Xin trân trọng cảm ơn bà!