CôngThương - Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Giang, 6 tháng đầu năm, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức 11 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn miền núi, vùng biên giới tại các huyện: Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên… Các phiên chợ đã thu hút 12.000 lượt người đến tham quan, mua sắm. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại thông qua hình thức tổ chức hội chợ, triển lãm được đẩy mạnh. Ngành Công Thương Hà Giang đã thực hiện 38 hội chợ thương mại ở 11 huyện với 5.600 gian hàng và 3.205 lượt DN tham gia. Doanh thu các kỳ hội chợ ước đạt trên 200 tỷ đồng. Mặc dù đạt kết quả tích cực, song theo nhận định, hàng Việt về nông thôn tại Hà Giang vẫn chưa tạo được sức cạnh tranh lớn, đặc biệt là về giá.
Ông Nguyễn Xuân Chiến - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) -cho rằng, các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn chưa có sự kết nối, mở rộng thị trường. Các chuyến hàng đưa về nông thôn chỉ được triển khai trong thời gian ngắn theo kiểu “đánh nhanh, rút gọn”, các DN chưa thiết lập được điểm bán hàng cố định, tạo liên kết vững chắc với thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú: Để hàng Việt về với vùng nông thôn một cách bền vững, cần từng bước thiết lập kênh phân phối ổn định, hình thành các điểm bán hàng tại vùng sâu, vùng xa. Đẩy mạnh công tác kết nối giữa các đơn vị sản xuất- kinh doanh của địa phương với các đơn vị phân phối, đặc biệt với các mặt hàng công nghiệp nông thôn trên địa bàn. |
Theo bà Lê Thị Thu Hằng- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hà Giang- để tăng cường công tác quảng bá hàng Việt đến vùng nông thôn, cần tính đến những giải pháp hiệu quả hơn thông qua hệ thống cửa hàng thương mại tại các huyện, xã. Đặc biệt đối với những chợ huyện (có đến 90% là hàng hóa Trung Quốc) cần phải tăng cường đưa hàng hóa của Việt Nam vào để người tiêu dùng có thể lựa chọn và so sánh. Từ đó, DN sẽ xây dựng được mạng lưới phân phối, cạnh tranh để tìm “đất sống” cho hàng Việt…
Ông Nguyễn Đình Bảy - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Giang - cho biết: Nhằm đẩy mạnh việc đưa hàng Việt về nông thôn, sắp tới Hà Giang sẽ tăng thêm số phiên chợ “Đưa hàng Việt về biên giới”, những phiên chợ được tổ chức vừa qua dù chỉ mới ở mức độ làm điểm, nhưng đã cho thấy sự chuyển biến tích cực. Để chương trình đưa hàng Việt về vùng sâu, khu vực biên giới đạt hiệu quả cao, rất cần các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ tỉnh, Bộ Công Thương trong việc hỗ trợ vốn, mở rộng mạng lưới bán lẻ. Đồng thời có biện pháp quản lý tốt việc nhập lậu hàng hóa từ bên ngoài vào, để các mặt hàng trong nước có điều kiện cạnh tranh và đứng vững trên thị trường nội địa.