Cần xem xét quy định thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể
Ưu tiên bố trí ngân sách cho một số hoạt động có tính đặc thù
Chiều 23/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh |
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về sở hữu di sản văn hóa (Điều 4), nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 6), một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn các loại hình sở hữu di sản văn hóa; quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí công nhận và nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, đã chỉ đạo chỉnh lý, quy định cụ thể tại Điều 4 dự thảo Luật. Theo đó, việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng; việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, rà soát, quy định cụ thể, đầy đủ về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Điều 6 dự thảo Luật.
Về chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, có ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa có trọng tâm, trọng điểm và bền vững. Quy định cụ thể các chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực; chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt về tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân người dân tộc thiểu số.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hoá.
Theo đó, dự thảo Luật quy định ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho một số hoạt động có tính đặc thù (Điều 7); biện pháp bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam (Điều 19); nguồn nhân lực quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 84); đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa (Điều 85); điều kiện bảo đảm cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có nguồn lực nhà nước, xã hội hóa và các điều kiện khác (Điều 82, Điều 90)
Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9), một số ý kiến đề nghị rà soát để phân biệt hành vi cố ý với hành vi vô ý tìm được di vật, cổ vật trong quá trình đánh bắt thủy hải sản; đề nghị bổ sung cấm các hành vi: Lấn chiếm đất đai, cảnh quan, mặt bằng, công trình thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; tự ý thay đổi thiết kế khi thực hiện bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; mua bán, sưu tầm đối với di sản tư liệu có nguồn gốc không hợp pháp và các hành vi khác gây thiệt hại, ảnh hưởng đến hoạt động di sản văn hóa.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các hành vi bị nghiêm cấm để bảo đảm chính xác, đầy đủ hơn, làm cơ sở cho việc hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, xử lý vi phạm trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Về khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định phạm vi và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới (Điều 27), có ý kiến cho rằng quy định về khu vực bảo vệ II của di tích chưa chặt chẽ; cần quy định cụ thể các trường hợp khác được cơ quan có thẩm quyền về văn hóa xác định di tích không có khu vực bảo vệ II; bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng bổ sung quy định nguyên tắc xác định khu vực bảo vệ II tại khoản 3 Điều 27; quy định khu vực tiếp giáp di tích không được xác định là khu vực bảo vệ II khi khu vực đó có công trình xây dựng không thể di dời, khu vực dân cư do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định theo cấp độ di tích.
Yêu cầu kiểm kê hàng năm có thể gây lãng phí về nguồn lực
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn Bình Thuận bày tỏ quan tâm đến nội dung về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quy định tại Điều 11...
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận |
Cụ thể, dự thảo Luật quy định: Di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đưa vào Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể). Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể phải được rà soát, cập nhật hằng năm.
Đối với nội dung này, đại biểu đoàn Bình Thuận đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét nghiên cứu quy định về mặt thời gian kiểm kê cho phù hợp hơn, tại vì khoản 1 điều 11 quy định việc kiểm kê phải tiến hành hàng năm là chưa phù hợp với thực tiễn và có thể gây lãng phí về thời gian và nguồn lực.
"Trong trường hợp có di sản mới phát hiện hoặc công nhận thì chúng ta cập nhật vào danh mục di sản, không cần thiết phải kiểm kê lại những di sản của năm trước liền kề" - đại biểu nói.
Về quy định các hành vi cấm liên quan đến di sản văn hóa, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ hơn để phân biệt giữa hành vi cố ý và vô ý gây thiệt hại đến di sản văn hóa, nhằm tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật.
Cùng với đó, để đảm bảo tính thống nhất với các Luật có liên quan, đại biểu cho rằng, Cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật so với các luật khác như: Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, Luật Địa chất và Khoáng sản… để tránh chồng chéo.
Đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Trần Đình Gia - đoàn Hà Tĩnh cho biết, khoản 8 Điều 9 quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Theo đại biểu, quy định này cần bổ sung cụm từ “di tích hỗn hợp” để đảm bảo phù hợp với Điều 21 quy định về loại hình di tích hỗn hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu quan tâm về thẩm quyền, trình tự thủ tục, hồ sơ xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng và bổ sung chỉnh sửa hồ sơ khoa học của di tích. Để đảm bảo đúng quy trình và phù hợp với thực tiễn, sau khi xây dựng hồ sơ khoa học, Hội đồng xếp hạng di tích cấp tỉnh họp thẩm định hồ sơ, có kết luận của Chủ tịch Hội đồng, cơ quan chuyên môn sẽ tổng hợp các ý kiến bằng biên bản trình UBND tỉnh.
Trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn và ý kiến thẩm định của Hội đồng khoa học, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ xem xét, quyết định việc xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích hoặc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học của di tích cấp tỉnh.
Đại biểu đề nghị sửa điểm b khoản 2 Điều 25 thành: “Đối với di tích cấp tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 của Luật này, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh gửi văn bản, biên bản cuộc họp Hội đồng xếp hạng di tích do Chủ tịch UBND tỉnh thành lập kèm theo hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng, xếp hạng bổ sung di tích, hồ sơ đề nghị hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích, hồ sơ bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích trên địa bàn tới Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét quyết định xếp hạng, xếp hạng bổ sung, hủy bỏ quyết định xếp hạng di tích hoặc bổ sung, chỉnh sửa hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh sau khi có ý kiến bằng văn bản của Hội đồng thẩm định do Chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập”.
Đại biểu cũng đề nghị quy định rõ hơn số lượng, thành phần, trình độ chuyên môn đối với Hội đồng thẩm định di tích.