Thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt và có vai trò quan trọng
Sáng 22/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu |
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, trong quá trình sửa đổi Luật Dược và trong quá trình thực tiễn vừa qua, chúng ta cũng biết thuốc là một mặt hàng rất đặc biệt và có vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe của người dân. Trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế ngày hôm qua cũng có nói đến việc phải giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc.
Chúng tôi thấy rằng để giải quyết triệt để vấn đề thiếu thuốc không phải chỉ là mục tiêu của riêng Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang phải thực hiện. Đặc biệt, sau dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống cung ứng cũng như chuỗi cung ứng liên quan tới nguyên liệu và các mặt hàng thuốc trên thế giới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là một bài toán chung của tất cả các quốc gia. Bộ cũng thường xuyên nhận được báo cáo của Bộ Công an liên quan tới các vấn đề thiếu thuốc, các chiến lược của các quốc gia liên quan tới vấn đề phát triển công nghiệp dược và làm sao để có đủ thuốc cung cấp cho người dân. Chính vì vậy, để đảm bảo vấn đề cung ứng thuốc, chúng ta phải nhìn nhận một cách tổng thể.
Thứ nhất, chúng ta phải đảm bảo đủ thuốc để cung ứng ra thị trường. Với số lượng, chất lượng dịch vụ… làm sao để đủ điều kiện giải quyết được vấn đề nguồn cung, kể cả cho công việc sản xuất thuốc cũng như cung ứng thuốc ra thị trường. Muốn làm được như vậy chúng ta phải phát triển được kinh doanh, phát triển công nghiệp dược trong nước. Đây là bài toán quốc gia nào cũng phải đặt ra.
Thứ hai, giải quyết các vấn đề khó khăn về mua sắm, đấu thầu. Trong thời gian vừa qua Quốc hội và Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng, nỗ lực. Ví dụ, trong Luật Đấu thầu, có ý kiến cho rằng luật này như là luật riêng trong ngành y tế, vì rất nhiều nội dung liên quan đến y tế, đảm bảo thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế đã được tháo gỡ trong luật. Trong đó, cũng có nội dung liên quan đến giá, làm sao mua giá thấp nhất hay đảm bảo được chất lượng đã được giải quyết trong Luật Đấu thầu.
Thứ ba, để đảm bảo được đủ thuốc, chúng ta phải tổ chức thực hiện từ cấp phép lưu hành đến mua sắm, vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành, các địa phương, các cơ sở y tế là cả một bài toán tổng thể.
Giải trình một số nội dung cụ thể, Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, về chính sách phát triển công nghiệp dược, dự thảo đã quy định những vấn đề liên quan tới các chính sách ưu đãi hỗ trợ đầu tư đặc biệt và đã có quy định ở trong nội dung các điều luật trong dự thảo.
Trước ý kiến của đại biểu đề nghị quy định rõ hơn, Bộ trưởng nêu, điều này liên quan đến kỹ thuật lập pháp, ngoài Luật Dược ra, chúng ta còn rất nhiều các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai... Nếu tổng hợp hết để đưa vào dự án luật này thì rất nhiều luật liên quan trực tiếp đến phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp luật khác.
Cho nên trong quá trình làm, các cơ quan nói vấn đề gì cần phải chi tiết, cụ thể sẽ được quy định ở các luật chuyên ngành. Việc này đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật Việt Nam.
Theo bà Đào Hồng Lan, ý kiến các đại biểu phát biểu đều mong muốn một mục tiêu là ngành công nghiệp dược Việt Nam phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Hiện nay, chúng ta là một đất nước có ngành công nghiệp dược còn đang rất yếu, chưa có tên trong bản đồ của thế giới liên quan đến công nghiệp dược.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và Chính phủ cũng đã có ý kiến báo cáo giải trình, tại sao trong dự thảo của Chính phủ đưa sang không có quy định mức tối đa về ưu đãi đặc biệt là như thế nào. Chúng tôi cũng biết, hiện nay bên cạnh Luật Dược, các quy định về luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... cũng đang được sửa đổi trong các dự án luật một luật sửa nhiều luật.
Về quan điểm chung, Bộ cũng rất mong muốn có những đặc thù đối với lĩnh vực dược để chúng ta có một bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Nếu quy định ở mức chung là 30.000 tỷ đồng thì không có dự án nào được, hiện nay cao nhất cũng chỉ khoảng 2.700 tỷ đồng và đến ngay cả mức 3.000 tỷ đồng chúng ta cũng phải phấn đấu, bởi chủ yếu hiện nay 76,63% các doanh nghiệp của chúng ta ở mức dưới 300 tỷ đồng.
"Để có một chính sách ưu đãi cụ thể hết sức cần thiết. Chúng tôi rất mong muốn tại kỳ họp này các luật khác liên quan cũng đang được xem xét, điều chỉnh, các đại biểu Quốc hội ủng hộ cho ngành dược Việt Nam có bước phát triển" - Bộ trưởng nói.
Giá thuốc không quản lý thì như "thả gà ra đuổi"
Liên quan tới vấn đề kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, hiện nay, việc kinh doanh chuỗi nhà thuốc không phải là nội dung mới, điều này đã được quy định trong Luật Dược (2016).
Thực tiễn chúng ta biết cũng có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện theo kinh doanh chuỗi nhà thuốc, có những chuỗi nhà thuốc liên quan đến 1.000 cơ sở bán lẻ. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá việc triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay có tồn tại, vướng mắc gì, đồng thời, để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà thuốc, chất lượng thuốc và những vấn đề hậu quả phát sinh, tại Luật Dược lần này chúng tôi đề nghị bổ sung thêm các quy định về quyền và trách nhiệm của các tổ chức chuỗi nhà thuốc, trách nhiệm của nhà thuốc trong chuỗi cũng như quy định các nhà thuốc phải chịu trách nhiệm về toàn bộ chuỗi cung ứng, chúng ta quản lý gốc, không phải quản lý ngọn.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh chuỗi nhà thuốc cũng phải tùy điều kiện, năng lực để rà soát, chấn chỉnh lại, đảm bảo được chất lượng phục vụ cho người dân.
Về vấn đề giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, thuốc là mặt hàng đặc biệt nên việc quản lý với giá thuốc cũng là một việc rất quan trọng. Nếu không quản lý thì như "thả gà ra đuổi".
Bà Lan cho hay, năm 2016, Luật Dược đã quy định các nội dung liên quan đến quản lý giá thuốc bán buôn và chúng ta thực hiện Luật Giá năm 2023 với rất nhiều quy định mới về quản lý giá.
Vì vậy, với tính chất mặt hàng đặc biệt và quy định về quản lý giá bán buôn đã được triển khai thực hiện từ năm 2016 đến nay được chúng tôi đánh giá rất hiệu quả, cộng với các quy định của Luật Giá cũng đã quy định việc thực hiện các biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến.
Nội dung này trong quá trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đổi thành biện pháp công bố giá bán buôn thuốc dự kiến tại dự thảo luật để các cơ quan quản lý. "Việc này đã được thực hiện từ năm 2016 đến nay, qua đó đã góp phần cho việc quản lý giá thuốc của Việt Nam trong thời gian vừa qua nói chung tương đối ổn định" - bà Lan khẳng định.
Bà Lan dẫn chứng, lấy số liệu năm 2022 giá thuốc tăng 0,4%, trong tổng số CPI là 3,15%. Năm 2023 là 1,45%, sau dịch COVID-19 giá tất cả các loại thuốc nguyên vật liệu đều tăng thì chúng ta tăng 1,45%, trong tổng số CPI 2,96%. "Nói chung, qua các biện pháp thực hiện này chúng ta sẽ dần quản lý được giá thuốc, tránh tăng giá đột biến trên thị trường" - bà Lan nói.
Về các quy định liên quan tới cấp phép, đăng ký lưu hành, gia hạn thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ thêm, tiếp thu tinh thần chỉ đạo chung và những bất cập của Luật Dược năm 2016, chúng tôi đã quy định rất rõ những điều kiện về vấn đề tham chiếu, vấn đề thừa nhận, vấn đề giảm được thủ tục hành chính trong quá trình triển khai thực hiện.
Đây là một nội dung Bộ Y tế rất vất vả khi triển khai thực hiện. Các nội dung liên quan đến các điều kiện để giảm các thủ tục hành chính cũng như thừa nhận các quy định của quốc tế đã được tiếp thu tối đa.