Cần xử lý hình sự vi phạm về an toàn thực phẩm
Quốc hội sẽ tiếp tục giám sát tối cao về an toàn thực phẩm |
Báo cáo một số vấn đề lớn trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (cơ quan thẩm tra dự án luật) - nêu nguyên tắc: Rà soát, sửa đổi sai sót về kỹ thuật, quy định bất hợp lý; bổ sung một số vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn sau khi Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS năm 2015) được thông qua để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; việc sửa đổi, bổ sung không làm thay đổi những chính sách hình sự lớn đã được cơ quan có thẩm quyền cho ý kiến và Quốc hội khóa XIII quyết định; không dẫn đến phải sửa đổi, bổ sung các đạo luật đang lùi hiệu lực thi hành cùng với BLHS năm 2015...
Trên cơ sở những nguyên tắc này, cho ý kiến vào vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phân tích: Vấn đề an toàn thực phẩm có mối quan hệ rất chặt chẽ từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ... và đặt ra nhiều câu hỏi cần được trả lời như: Môi trường, sản xuất, chế biến, bảo quản... có bảo đảm sạch không?
Liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015, Ủy ban Tư pháp lại nêu quan điểm điều chỉnh Khoản 1, Điều 317 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo hướng giảm nhẹ hoặc có những quy định sẽ khó xử lý hình sự.
Dẫn con số thống kê, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, thực tế, có tình trạng sử dụng chất cấm, hóa chất, chất kháng sinh không được phép sử dụng. 5 năm qua, số vụ ngộ độc thực phẩm đã lên đến con số hàng nghìn với 165 người tử vong.
Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển thẳng thắn đề nghị: Một là giữ nguyên quy định của Khoản 1, Điều 317 như trong Bộ Luật hình sự số 100/2015/QH13 và nếu có bổ sung thì quy định theo hướng nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính rồi mà vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ xử lý hình sự.
Tán thành ý kiến này, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, việc xây dựng khung quy định trong Điều 317 xuất phát từ thực tế từ một vụ án sản xuất bánh phở có chất Formaldehyde, nhưng khi khởi tố đã không quy được trách nhiệm vì không xác định được tác hại do chất này gây ra cho sức khỏe con người. Do đó, để khắc phục, không nhất thiết phải quy định buộc chứng minh hành vi sử dụng chất cấm gây ra tổn hại sức khỏe con người từ 30% - 60% mới bị xử lý hình sự.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, việc sửa đổi quy định về an toàn thực phẩm trong Bộ Luật hình sự là cần thiết nhưng cần thận trọng để không hình sự hóa tràn lan, tránh trường hợp người nông dân chỉ vô tình sử dụng chất cấm do thiếu hiểu biết mà vẫn bị xử lý hình sự.