Cao Bằng: Chưa tìm được phương án tối ưu chăm sóc chuột túi nghi do những đối tượng buôn lậu bỏ lại Cao Bằng: Tạm giữ 2.500 sản phẩm thuốc lá điện tử mang nhãn hiệu YOOZ ZERO POD |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ;
Hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới;
Phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; hình thành một số vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản;
Kinh tế cửa khẩu, du lịch phát triển nhanh, bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước và chủ động ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của Vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hoá, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.
Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện. Bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện và nâng cao; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững... |
Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, trong đó, về kinh tế, tốc độ tăng trưởng (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,72%/năm.
Tỉ trọng các khu vực kinh tế trong GRDP: Nông nghiệp khoảng 12,5% GRDP; công nghiệp - xây dựng khoảng 21,7%; dịch vụ khoảng 63,3% và thuế trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 2,5%.
GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người (giá hiện hành).
Tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân trên 4,0%/năm; duy trì mức giảm tỉ lệ hộ nghèo đến năm 2030.
Tạo bước đột phá về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của Vùng, cả nước và hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch..., tạo nền tảng phát triển nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển và thu nhập bình quân đầu người của Cao Bằng với các tỉnh trong vùng và cả nước.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua công tác giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đồng bào dân tộc thiểu số, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ phát triển khu kinh tế cửa khẩu và các khu du lịch chất lượng cao của Cao Bằng.
Ngoài ra, Quy hoạch nêu cụ thể các nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, tập trung thu hút, khơi thông nguồn lực để đầu tư hoàn thiện, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại, sớm khắc phục điểm nghẽn, nút thắt về kết cấu hạ tầng.
Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với các tuyến cao tốc và quốc lộ đối ngoại kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm đô thị, kinh tế lớn của Vùng và cả nước, kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông quốc gia (sân bay, cảng biển).
Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; hạ tầng đô thị, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng du lịch hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường để thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển các khu kinh tế cửa khẩu.
Tập trung phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển Khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo động lực tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Cao Bằng.
Đẩy mạnh liên kết hoạt động du lịch với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, nhất là Hà Giang, Lạng Sơn và Bắc Kạn; thúc đẩy hợp tác với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc).