CôngThương - Theo báo cáo của tỉnh Cao Bằng, 7 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 489 tỷ đồng, tăng 23,3% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng ước 2.150 tỷ đồng… Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, điều kiện kinh tế và hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn hết sức khó khăn, tuy nhiên Cao Bằng có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp khai khoáng và phát triển các nhà máy thủy điện.
Cao Bằng có 22 loại khoáng sản với 142 điểm mỏ đã được phát hiện. Các loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn và tập trung, chất lượng tốt, thích hợp cho xây dựng cơ sở chế biến lớn như quặng sắt trữ lượng 50 triệu tấn, quặng mangan với trữ lượng trên 6 triệu tấn… Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đó, tỉnh Cao Bằng đã xây dựng các chương trình, Nghị quyết để phát triển công nghiệp thủy điện và khai thác chế biến khoáng sản. Đến nay, nhiều dự án chế biến khoáng sản, thủy điện đã vận hành và hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của tỉnh Cao Bằng trong 7 tháng đầu năm đạt gần 320 triệu USD, tăng 186% so với cùng kỳ năm 2013. Sản phẩm xuất khẩu qua địa bàn gồm các mặt hàng là chì thỏi, hạt điều, cao su, mía cây, gạo, hàng tạm nhập tái xuất…
Song song với đẩy mạnh, tạo thuận lợi nhất cho hàng hóa xuất nhập khẩu, các ngành chức năng tỉnh Cao Bằng cũng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. 7 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra và xử lý 202 vụ trong đó khởi tố 3 vụ hình sự. Số tiền thu từ xử phát hành chính và tịch thu hàng hóa gần 1,3 tỷ đồng…
Ngoài tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc liên quan đến kiến nghị của địa phương về việc hỗ trợ triển khai dự án cấp điện cho các thôn bản, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ kinh phí cho các dự án khuyến công, tạo chính sách hỗ trợ giúp địa phương thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến nông lâm sản, thủy sản tại địa bàn nông thôn, miền núi…
Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã đi kiểm tra thực tế tại Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (huyện Phục Hòa) và đưa ra nhiều gợi mở giúp Cao Bằng đẩy mạnh phát triển thương mại miền núi, kinh tế biên mậu trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá cao những thành quả kinh tế xã hội của Cao Bằng đạt được thời gian qua. Theo Thứ trưởng, việc địa phương xác định rõ những lợi thế để đặt mục tiêu phát triển là điều hết sức cần thiết. Cao Bằng cần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển công nghiệp để phát triển kinh tế, qua đó giúp DN địa phương tiếp cận công nghệ, đẩy mạnh phát triển. Việc điều hành kinh tế biên mậu phải linh hoạt, hợp lý và đặc biệt phải đẩy mạnh và coi công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại là nhiệm vụ thường xuyên.
Một số hình ảnh hoạt động của đoàn công tác Bộ Công Thương tại Cao Bằng: