Cầu Long Biên
CôngThương - Dự án “Quy hoạch bảo tồn, cải tạo, phát triển cầu Long Biên và khu vực xung quanh cầu” được thực hiện theo hình thức hợp tác công tư (PPP) do KTS, Việt Kiều Pháp Nguyễn Nga thực hiện đã từng được dư luận quan tâm thời gian qua, bởi đây là ý tưởng táo bạo đối với một biểu tượng có giá trị lịch sử của thủ đô Hà Nội.
Theo ý tưởng, cầu Long Biên sẽ trở thành bảo tàng nghệ thuật và kiến trúc, đồng thời vẫn đảm bảo công năng giao thông. Với việc vẫn giữ lại nguyên vẹn các yếu tố kiến trúc như các nhịp, dầm thép, mố cầu, phần mới cầu sẽ được tái dựng những nhịp đã mất nhằm khôi phục lại hình dáng ban đầu. Khoảng giữa lòng cầu sẽ là đại lộ trưng bày nghệ thuật. Những nhịp cầu sẽ được bao phủ bởi những tấm kính trong suốt và một không gian lớn sẽ được dành triển lãm mô hình tàu hỏa chạy bằng hơi nước.
Riêng khu vực xung quanh cầu với phố Gầm Cầu sẽ trở thành phòng trưng bày các sản phẩm làng nghề bằng việc mở lại 131 vòm cầu gạch đang được bịt kín. Những vòm ở khu vực đầu cầu được mở thông ra để tạo nên một dãy phòng triển lãm sản phẩm làng nghề. Đây sẽ trở thành phố nghề nghệ thuật, có xưởng sản xuất, trưng bày, bán sản phẩm. Khu bãi giữa sông Hồng sẽ trở thành công viên nghệ thuật, sinh thái làm sống lại các làng hoa của Hà Nội, nghề trồng dâu nuôi tầm, đồng thời trở thành điểm vui chơi của người dân. Bên bờ bắc, phía Gia Lâm sẽ dựng tháp sen, bảo tàng nghệ thuật đương đại có hình dáng hoa sen đang hé nở, còn tháp nước Hàng Đậu sẽ là bảo tàng cổ vật…
KTS Nguyễn Nga cho biết, việc đưa ra ý tưởng này nhằm khai thác yếu tố du lịch và cải thiện môi trường dân sinh của cầu Long Biên, tạo việc làm cho người dân nội đô và các làng nghề truyền thống. Thời gian thực hiện khoảng 10 năm với mức đầu tư khoảng 4.860 tỷ đồng. Dự án sẽ có sự tham gia của Chính phủ Pháp và Việt Nam. PhíaPháp sẽ cung cấp vốn trong khuôn khổ viện trợ phát triển chính thức ODA, dự trù khoảng 80 triệu euro.
Phác thảo cầu Long Biên thành bảo tàng nghệ thuật
Việc đưa ra ý tưởng này đã có nhiều ủng hộ đầy thiện cảm, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng nó khó khả thi, vì cầu Long Biên liên quan đến rất nhiều yếu tố, nhất là phải tính đến khả năng phù hợp với quy hoạch chung của Hà Nội.
Bà Lã Kim Ngân, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đánh giá, ý tưởng khai thác cầu Long Biên trở thành Bảo tàng lịch sử cận đại dài nhất thế giới của KTS Nguyễn Nga sẽ đem lại hình ảnh trường tồn với vai trò, sứ mệnh mới, tôn vinh giá trị biểu tượng của cầu Long Biên. Các ý tưởng cải tạo đưa cầu Long Biên trở thành không gian dành riêng cho hoạt động văn hóa, sáng tạo, tổ chức sự kiện, triển lãm tàu hỏa hơi nước cổ hay hệ thống cây xanh đèn đường nhằm tạo ra phố đi bộ mới trên cầu là những khởi thảo độc đáo, có giá trị nhân văn cần được phát triển.
Tuy nhiên, cầu Long Biên cần được bảo tồn, phục chế trở lại hình dáng nguyên gốc ban đầu, không nên nâng cao cũng như mở rộng làm thay đổi kiến trúc của cầu. Việc bao phủ những nhịp cầu bằng hệ thống kính trong suốt cần được cân nhắc thận trọng, bởi phương án này có thể làm biến dạng toàn bộ cảnh quan lịch sử của cầu. Tuyến phố đi bộ trên cầu sẽ cần có giải pháp cụ thể, kết nối với không gian hai đầu cầu, đảm bảo không gây ách tắc giao thông. Cầu cũng cần khuyến khích hệ thống xe đạp tiếp tục lưu thông và cấm hoàn toàn xe máy. Bà Ngân nhấn mạnh, cần mở rộng hơn để đảm bảo hoạt động toàn diện cả hai bên chân cầu và có kết nối với các yêu cầu quản lý hành lang thoát lũ sông Hồng, khả năng tiếp cận với các hoạt động đô thị cũng như hệ thống các không gian trong tuyến du lịch không gian xanh gắn với các hoạt động đi bộ.
Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, ý tưởng độc đáo về nhiều mặt, bảo tồn được một công trình có giá trị lịch sử trong nghề xây dựng trên thế giới. Cầu trở thành một không gian văn hóa nghệ thuật đặc sắc, không gian cộng đồng hấp dẫn, tạo ra cảm nhận nơi chốn, cộng đồng… Nếu thu hút khách du lịch, cầu sẽ trở thành hình tượng đô thị, tạo ra thương hiệu cho Hà Nội. Ý tưởng vườn treo và cây xay trên cầu sẽ tác động đến sự phát triển nông nghiệp đô thị trong nội thành, khuyến khích phát triển vườn trên mái nhà. Xây dựng bảo tàng cổ vật tại bốt Hàng Đậu và bảo tàng nghệ thuật phố Gầm Cầu là đáng hoan ngênh bởi nó làm phong phú thêm sản phẩm du lịch cho Hà Nội. Tuy nhiên, cần lưu ý các giải pháp duy trì hoạt động trên cầu khi trời tiết xấu vào mùa đông, việc đi bộ trên cầu là rất tốt nhưng vì cầu dài nên cần có chỗ dừng nghỉ dành cho trẻ em, người già, người tàn tật…
Còn GS, KTS Hoàng Đạo Kính, Nguyên Phó chủ tịch Hội kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cùng với thời gian, vai trò của cầu Long Biên với tư cách là phương tiện giao thông giảm thiểu dần, nhường chỗ cho vai trò của nó với tư cách là thiết chế văn hóa lịch sử. Vì thế, coi cầu Long Biên là một công trình kiến trúc, kỹ thuật có giá trị, cần được bảo tồn, cải tạo, phát huy các giá trị với tư cách là một thành phần cấu thành di sản đô thị của Thủ đô. Không nên đặt vấn đề công nhận công trình này là di tích theo Luật di sản, bởi nó chưa thể liệt dứt khoát vào diện này và hễ bị coi là di tích thì sẽ rất khó tìm ra phương cách ứng xử. Cầu Long Biên là một công trình, một địa điểm có thể thu hút về nhiều phương diện, sau trùng tu nó sẽ trở thành nam châm thứ hai, sau khu phố cổ, góp phần giải quyết về sự nghèo nàn văn hóa du lịch của Thủ đô.
Với ý tưởng của KTS Nguyễn Nga, GS Hoàng Đạo Kính đánh giá đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu, thể hiện cách tiếp cận hiện đại đối với một di sản quý hiếm và vạch ra hướng phát huy tác dụng và khai thác phù hợp với ứng xử hiện đại. Tuy nhiên, để thực hiện phải vượt qua một “rừng” thủ tục, ước chừng phải kéo dài 10 năm. Vì thế, trước hết, chúng ta chưa nên đi quá sớm vào các vấn đề kiến trúc và kỹ thuật mà hãy ủng hộ cho tâm huyết và năng lực sáng tạo của một KTS từ Paris trở về thủ đô, Hà Nội để dấn thân vào những việc khó, ít người đủ gan và chí để làm.