Ảnh minh họa
CôngThương - Trong bối cảnh chính sách kinh tế vĩ mô đi vào chu kỳ thắt chặt và nhịp độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chậm lại, một số nước đã xuất hiện dấu hiệu giảm tốc một cách vừa phải, sức ép lạm phát có phần giảm xuống song, một số tổ chức quốc tế và giới phân tích kinh tế cảnh báo tình hình lạm phát của châu Á có lẽ phức tạp hơn so với tưởng tượng, và châu lục này có thể sẽ phải mất nhiều thời gian để giải bài toán giá cả.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong “Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới” công bố cuối tháng 6 vừa qua đã nêu rõ lạm phát tại khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2011. Dấu hiệu kinh tế phát triển quá nóng của các thị trường mới nổi ngày càng nổi cộm, cần phải áp dụng biện pháp thắt chặt hơn nữa. Chẳng hạn kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng lạm phát cao, khi tỷ số giá tiêu dùng (CPI) trong 5 tháng đầu năm nay đã tăng 15,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nhà kinh tế học cho rằng, thời gian qua, việc Chính phủ Việt Nam nhiều lần chỉnh tỷ giá hối đoái, giá điện và giá săng dầu đã khiến lạm phát gia tăng.
Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, lạm phát tại châu Á đang ở ngưỡng nguy hiểm và sẽ không có dấu hiệu ngừng lại nếu chính phủ các nước không có những biện pháp kịp thời và chính xác. Tại Hàn Quốc, chỉ số giá tiêu dùng hiện tăng 4,7% so với năm trước, nhanh hơn tỷ lệ 4,5% trong tháng 2. Tại Singapore, tỷ lệ lạm phát đã chạm ngưỡng 5,5% từ tháng 1. Tại Trung Quốc, tỷ lệ lạm phát trong tháng 2 là 4,9%, vượt mức trần quy định do chính phủ đề ra là 4%. Trong khi đó, lạm phát ở Ấn Độ tăng đến mức 8,2% trong tháng 2.
Dưới sức ép của lạm phát, nhiều quốc gia đã thực hiện những biện pháp giảm đà leo thang của giá tiêu dùng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo, kể từ 6-4, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 năm sẽ tăng thêm 0,25% lên 3,25%, lãi suất cho vay 1 năm tăng 0,25% lên 6,31%. Đây là lần thứ hai PBOC tăng lãi suất kể từ đầu năm 2011 và lần thứ tư kể từ năm 2010. Chính quyền Trung Quốc cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu được phép giữ doanh thu của mình bằng ngoại tệ ở nước ngoài và tùy ý lựa chọn thời gian chuyển đổi thành nhân dân tệ đưa về Trung Quốc. Với quy định mới này, PBOC giảm được sức ép bơm tiền để hoán đổi ngoại tệ. Hành động này vừa giúp Trung Quốc giảm được cung tiền trong nước để chống lạm phát, vừa giúp đồng nhân dân tệ không tăng giá quá nhanh. Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia, Malaysia cũng thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ bằng cách nâng lãi suất ngân hàng. Trên thực thế, trong quá trình tăng trưởng kinh tế của nhiều nước châu Á phổ biến xuất hiện hiện tượng thiếu hụt sức lao động cũng như năng lực sản xuất.
Ngoài nguyên nhân giá thực phẩm và năng lượng ra, sức ép lạm phát mang tính kết cấu do các yếu tố sản xuất trong nội bộ nền kinh tế châu Á gây nên vẫn tồn tại một cách phổ biến. Việc tỷ lệ lạm phát cơ bản ( không tính giá lương thực và năng lượng) của một số nước châu Á không ngừng tăng lên chính là minh chứng cho điều này.
Có nhà kinh tế học cho rằng một số nền kinh tế châu Á đã hoàn toàn hồi phục từ trước khủng hoảng tài chính quốc tế, nhưng các nền kinh tế này đang hoạt động một cách quá tải. Điều này tất sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về sức lao động, đất đai, cơ sở hạ tầng cũng như năng suất của doanh nghiệp. Có số liệu cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại một số nước châu Á đã giảm xuống mức trước khi xẩy ra khủng hoảng tài chính quốc tế, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp của các nước Malaysia, Thái lan, Singapore và Hàn Quốc đều đã giảm xuống còn chưa tới 4%. Tỷ lệ tận dụng năng suất của một số doanh nghiệp đã tiến sát hoặc thậm chí cao hơn mức bình quân trong lịch sử. Tài nguyên đất đai dùng cho phát triển nông nghiệp và thương nghiệp cũng ngày càng căng thẳng. Vì vậy, giới chuyên gia trong ngành cho rằng tình trạng lạm phát của châu Á rất có thể phức tạp hơn so với sự tưởng tượng trước đây.
Dù chính phủ nhiều nước châu Á đang nỗ lực bình ổn thị trường trong nước nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng việc áp dụng các chính sách tiền tệ xem ra chưa đủ trong tình hình hiện nay. Do đó, các biện pháp như thuế quan chặt chẽ hơn và cắt giảm chi tiêu công phải được xem là công cụ hỗ trợ hữu hiệu. Theo họ, việc các chính phủ đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ với một ngân sách dồi dào trong thời điểm hiện nay sẽ làm cho tình hình lạm phát ngày càng trở nên tồi tệ hơn về mặt lâu dài. Trong khi đó, các biện pháp kiểm soát giá cả lại khiến nông dân và các nhà sản xuất không muốn sản xuất thêm lương thực - thực phẩm và các hàng hóa khác, điều cần thiết để giảm sức nóng của giá cả. Không chỉ có vậy, chính sách trợ cấp, trợ giá và kiểm soát giá cũng buộc các chính phủ phải chi ra những khoản tiền không nhỏ.
Ông Ilian Mihov, giáo sư kinh tế thuộc tổ chức INSEAD tại Singapore cho rằng, nếu như các chính phủ không định hướng và có mục tiêu đúng đắn, rất có thể xảy ra tình trạng bảo hộ giá xăng dầu và lương thực cơ bản cho cả hộ gia đình nghèo và trung lưu. Giải pháp tốt nhất là gia tăng sản xuất lương thực và dầu, đồng thời tạo động lực cho nhiều người dân tham gia sản xuất.