Châu Âu nói về hiệp định EVFTA sắp chạm đích
Theo Hội đồng châu Âu, đây là hiệp định thương mại tự do tham vọng nhất được EU ký kết với một quốc gia đang phát triển. Khi có hiệu lực, thuế quan đối với 99% hàng hóa sẽ được giảm trong thời gian 10 năm. Thuế nhập khẩu cao của Việt Nam đối với ô tô sau đó sẽ giảm 78% và thuế đối với rượu vang giảm 50%. Ủy ban châu Âu cho biết hiệp định sẽ giúp tăng 29% cho xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 18% theo hướng khác. Đây là điều quan trọng với ngành hàng châu Âu.
Việc tiếp cận các chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á không được bỏ qua - đặc biệt là khi một số lượng lớn các thỏa thuận hiện đang được các nước ASEAN ký kết ngày càng làm thiệt thòi cho các đối thủ châu Âu. Ban đầu, EU dự kiến một hiệp định được đàm phán với ASEAN. Ủy ban châu Âu thậm chí đã bắt đầu các cuộc đàm phán vào năm 2007. Tuy nhiên, triển vọng ký kết một FTA như vậy đã rất khó khăn vào thời điểm đó vì sự khác biệt rõ ràng giữa các quốc gia Đông Nam Á. Chiến lược của EU sau đó đã thay đổi khi bắt đầu tổ chức các cuộc đàm phán song phương với từng nước. Và năm 2017, hiệp định với Singapore đã được ký kết, nhưng đến tận đầu năm nay mới được phê chuẩn. Bất kỳ hiệp định nào mà EU hiện đang ký kết đều được cho là nhằm chỉ trích chính sách thương mại của Mỹ. Các thỏa thuận của EU đang gửi một thông điệp mạnh mẽ về tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, trước khi hiệp định có hiệu lực, cần có sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu. Hiệp định bao gồm các chương về tính bền vững xã hội và môi trường, bao gồm cả cam kết thực hiện Thỏa thuận Paris. Như vậy, hiệp định thuộc về các thỏa thuận thương mại thế hệ mới.
Hiệp định có đặc điểm như vậy đầu tiên được EU thực hiện với Hàn Quốc, tiếp theo là các thỏa thuận của EU với Canada (CETA) và Nhật Bản. Loại hiệp định mới này cũng bao gồm bảo vệ các khoản đầu tư, một vấn đề đã được tranh luận sôi nổi trong những năm gần đây. Năm 2017, Tòa án Công lý Châu Âu đã quyết định vấn đề này cũng cần được các quốc gia thành viên EU quyết định vì không đủ để các tổ chức EU quyết định một mình vấn đề như vậy.
Để bật đèn xanh cho hiệp định đạt được càng nhanh càng tốt, EU chia hiệp định thành hai phần. Một phần là hiệp định thương mại tự do, phần khác là hiệp định bảo hộ đầu tư. Trong khi hiệp định bảo hộ đầu tư đòi hỏi phải có sự chấp thuận của các quốc gia thành viên EU, các công ty đã có thể thiết lập quan hệ thương mại của mình. Hiệp hội các Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức đã chuẩn bị cho các hiệp định mới với các nước ASEAN khác. Việc thực thi hiệp định này rất quan trọng đối với nền kinh tế. Mạng lưới các phòng thương mại của Đức cam kết cung cấp thêm các dịch vụ tư vấn, đặc biệt về hải quan, để cho phép các công ty tận dụng các cơ hội mới mà hiệp định mang lại. Hiện tại, có 4.803 công ty Đức đang xuất khẩu sang Việt Nam. Xuất khẩu của Việt Nam sang EU chủ yếu là các sản phẩm và dịch vụ từ lĩnh vực viễn thông, dệt may và thực phẩm, trong khi xuất khẩu của EU sang Việt Nam chủ yếu là các sản phẩm từ các lĩnh vực cơ khí, vận tải, hóa chất và nông nghiệp. Sau Singapore, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Châu Âu trong khu vực ASEAN. Do đó, các ngành hàng và các doanh nghiệp Châu Âu đang thúc đẩy để hiệp định được phê chuẩn nhanh chóng.