Chiều 22/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi)
Việc xây dựng dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) là cần thiết để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số ở nước ta.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV |
Đồng thời, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Để cụ thể hoá các chính sách nêu trên trong dự thảo Luật được đầy đủ, chặt chẽ, bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng củaLuật, Chính phủ đã chỉnh lý tên gọi của dự án Luật từ “Luật Căn cước công dân (sửa đổi)” thành “Luật Căn cước”. Về bố cục, dự thảo Luật Căn cước gồm 07 chương, 46 điều, trong đó, sửa đổi 39/39 điều, bổ sung mới 07 điều so với Luật Căn cước công dân năm 2014.
Trước đó, sáng 10/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), được Chính phủ chỉnh lý tên gọi thành dự án Luật Căn cước nhằm bảo đảm tính bao quát và phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật.
Góp ý kiến vào dự thảo luật này, đại biểu Nguyễn Thị Lan - đoàn Hà Nội bày tỏ đồng tình với sự cần thiết ban hành luật để thể chế hóa được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Đồng thời, tiến tới xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên các lĩnh vực hoạt động, khắc phục được những hạn chế, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.
Đi vào một số nội dung cụ thể, đại biểu cho rằng, việc mở rộng, bổ sung thêm thông tin lưu trữ là cần thiết để tăng cường chia sẻ, kết nối giữa các cơ sở dữ liệu quốc gia, từ đó phát huy hiệu quả sử dụng, nâng cao hiệu lực quản lý các cơ sở dữ liệu
Đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể thông tin nào bắt buộc, thông tin nào không bắt buộc đưa vào dữ liệu này, đối tượng nào phải cung cấp những loại thông tin nào, nhằm bảo đảm tiện lợn, hiệu quả hơn trong công tác quản lý và sử dụng.
Về tích hợp thông tin vào thẻ căn cước (Điều 23), đại biểu Lan nhất trí đề xuất tích hợp một số thông tin công dân vào thẻ căn cước để giảm bớt thủ tục giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức trong thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự.
Tuy nhiên, nữ đại biểu đoàn Hà Nội nhấn mạnh, việc tích hợp thông này cần chuẩn bị cơ sở hạ tầng tốt để bảo vệ dữ liệu, tránh để lộ thông tin bí mật đời tư của công dân. “Điều này rất quan trọng, nếu làm không tốt sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy về sau” - đại biểu Lan lưu ý.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình với việc sửa đổi Luật Căn cước công dân. Đi vào một số nội dung cụ thể, ông Tùng cho hay, phạm vi điều chỉnh của luật đã mở rộng hơn. Theo đó, giấy tờ căn cước không chỉ cấp cho công dân Việt Nam mà còn cấp cho cả bộ phận người không có quốc tịch cư trú ở Việt Nam.
Về tên gọi, ông Hoàng Thanh Tùng băn khoăn với việc đổi từ Luật Căn cước công dân sang Luật Căn cước. Qua nghiên cứu và trên thực tế vẫn có giải pháp để xử lý, vẫn bổ sung được đối tượng, vẫn điều chỉnh (bổ sung việc cấp giấy tờ căn cước không phải cho công dân Việt Nam) mà không phải sửa tên luật.
Hiện tại nước ta đã cấp được hơn 80 triệu thẻ căn cước công dân, nếu mở rộng thêm với người dưới 14 tuổi thì đối tượng áp dụng vẫn chủ yếu là công dân Việt Nam. Còn số người gốc Việt Nam mà chưa có quốc tịch Việt Nam mà bây giờ cần cấp căn cước công dân chỉ chiếm 31.000 người, một số rất nhỏ so với những người đã được cấp.
Do đó, ông Tùng đồng ý đề nghị bổ sung có quy định cấp giấy tờ căn cước cho những đối tượng có gốc Việt Nam để quản lý. Tuy nhiên, việc này chỉ cần quy định vào một chương trong điều khoản thi hành. Như vậy cũng không ảnh hưởng nhiều đến phạm vi điều chỉnh.
Về việc đổi tên thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước, ông Tùng nêu quan điểm không nên thực hiện. Bởi theo ông Tùng tên thẻ căn cước công dân hiện đã rất quen thuộc với người dân nước ta. Việc thay đổi tạo tâm lý không có tính ổn định cho người dân, liên tục xáo trộn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật dẫn chứng việc trước đây chúng ta có chứng minh nhân dân 9 số, sau đó là chứng minh nhân dân 12 số, sau lại cấp thẻ căn cước công dân không gắn chíp, thẻ căn cước gắn chíp và giờ là đề xuất thẻ căn cước.
“Trong một thời gian ngắn mà chính sách của Nhà nước thay đổi liên tục như thế này dẫn đến một tâm lý không tốt cho người dân. Chưa kể quá trình chuyển đổi phải mất ít nhất 20 năm. Đặc biệt hiện nay chúng ta đã cấp được 80 triệu thẻ cho người dân” - ông Tùng nói.