Hội nghị sẽ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaythong Kommasith, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào Daovong Phonekeo, các thứ trưởng và đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc các bộ của 2 nước.
Tại hội nghị, các đại biểu sẽ đánh giá một số kết quả hợp tác song phương trong lĩnh vực công thương hai nước, tình hình triển khai Biên bản Kế hoạch hợp tác năm 2022 giữa hai Bộ. Đồng thời, các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận một số vấn đề cụ thể theo lĩnh vực: Quản lý hàng hóa, xây dựng dữ liệu thống kê hàng hóa, quản lý xuất nhập khẩu, Hiệp định Thương mại Việt - Lào, vấn đề quản lý xăng dầu...
Hội nghị lần này được tổ chức có ý nghĩa thiết thực trong năm 2022 - năm Đoàn kết Hữu nghị kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào. Đây cũng là dịp để các Bộ của 2 nước rà soát tình hình hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp, các biện pháp và hoạt động cụ thể cần phối hợp triển khai trong thời gian tới.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên gặp gỡ Bộ trưởng Mạ-lay-thong Côm-mạ-xít |
Trong thời gian qua, hai bên ghi nhận kết quả tích cực đạt được trong trao đổi thương mại song phương. Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 1,37 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng 33,3% so với năm 2020, gấp 3 lần mục tiêu Lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra (10%). Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến kinh tế xã hội của mỗi nước, quan hệ hai nước vẫn phát triển vững chắc, đặc biệt là kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tốt, đạt 1,63 tỷ USD, là điểm sáng của năm 2022”
Trước đó, vào chiều ngày 23/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã tiếp Bộ trưởng Công Thương Lào Malaythong Kommasith cùng các lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào sang Việt Nam. Tại buổi tiếp, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Năng lượng và Mỏ Lào tiếp tục hợp tác hiệu quả hơn nữa với Bộ Công Thương Việt Nam trên tinh thần chân thành, thẳng thắn, tin cậy, có sản phẩm hợp tác cụ thể, đóng góp vào quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước; tiếp tục thảo luận, triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực để thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch thương mại và đầu tư song phương tương xứng, phù hợp với quan hệ chính trị giữa hai nước, phát huy các thế mạnh có thể bổ sung cho nhau, trên cơ sở các nguyên tắc, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng định hướng hợp tác trong thời gian tới của 2 bên trong đó bao gồm: Về các giải pháp giảm chi phí logistics; đầu tư trọng tâm, trọng điểm để tạo đột phá kết nối giao thông vận tải; tăng cường hợp tác chế biến sâu nông lâm sản, khoáng sản...; với các vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết; đề nghị hai bên tăng cường phối hợp, kịp thời chia sẻ kinh nghiệm, phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề nảy sinh; hỗ trợ mỗi bên xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, trên tinh thần hợp tác bình đẳng, “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” vì lợi ích của nhân dân hai nước.