Thị trường xe đạp hiện nay rất phong phú và đa dạng
CôngThương - Những hãng sản xuất lớn bao giờ cũng có chế độ bảo hành rõ ràng và độ tin cậy cao. Chọn hàng có thương hiệu sẽ giúp bà con tránh được hàng giả, hàng nhái, đồng thời đảm bảo chất lượng và giá cả hợp lý. Chuyên đề Dân tộc Thiểu số và Miền núi xin giới thiệu một số kinh nghiệm chọn xe theo tư vấn của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thống Nhất.
Cách chọn mua
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều xe đạp nhập khẩu, đa phần chất lượng kém, xe chính hãng của các công ty nước ngoài rất hiếm, nhất là xe đạp Nhật. Tốt nhất, bà con nên chọn mua xe đạp do các công ty trong nước sản xuất cho an toàn. Ưu thế và đặc điểm nổi bật của các hãng xe trong nước là bán đúng giá niêm yết, chế độ bảo hành tương đối đảm bảo. Một số các doanh nghiệp quen thuộc chuyên sản xuất các loại xe đạp ở trong nước có thể kể đến là Thống Nhất, Delta…
Ở những nơi địa hình phức tạp, bà con nên chọn mua xe có giảm xóc, không chỉ giúp đi êm mà còn giữ được xe bền lâu. Khi thay phụ tùng, cũng nên chọn những hàng có thương hiệu, như lốp xe Sao Vàng, yên và phanh Thống Nhất.
Để chọn được một chiếc xe đạp tốt, bà con cần lưu ý những điểm sau:
- Khi cầm tay lái rung, lắc mà cảm thấy chắc chắn, không bị kêu lọc xọc có nghĩa là xe tốt.
- Khi thử xe bà con quay thử các bánh xe thấy nhẹ, quay đều, lâu, kêu nhỏ là tốt.
- Những xe chính hãng bao giờ cũng có nước sơn bền, chỉ có thể bị xước do va chạm chứ không thể bong. Cần cảnh giác với những chiếc xe có vẻ hào nhoáng, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ thấy nhiều lớp sơn bóng thành từng mảng.
- Hệ thống giảm sóc: Hệ thống giảm sóc của xe đạp rất đa dạng. Một chiếc xe đạp với hệ thống giảm sóc trước và sau (đầy đủ) sẽ đem lại cho bà con cảm giác thoải mái và nhịp nhàng khi đạp xe, nhưng cũng nặng hơn và giá cũng đắt hơn.
- Phanh: Xe đạp được trang bị 2 loại phanh chính là phanh đĩa và phanh vành. Phanh đĩa đắt hơn nhưng ăn hơn. Phanh vành rẻ hơn nhưng không hoạt động tốt khi trời mưa và môi trường bùn.
- Bộ phận quan trọng nhất của chiếc xe đạp là khung xe. Vì vậy, khi chọn khung xe bà con nên chú ý tập trung vào chất lượng các mối hàn đầu và giữa khung, các chi tiết in chìm, chữ dập nổi, chất lượng sơn và trọng lượng. Để biết mình phù hợp với khung xe cỡ nào, bà con cần đo 2 thông số: Chiều cao và chiều cao từ bàn chân đến háng.
Phân biệt xe chính hãng và xe trôi nổi
Thông thường, xe do các doanh nghiệp có uy tín trong nước sản xuất có một số điểm khác biệt so với hàng trôi nổi. Do vậy, khi mua xe đạp bà con cần lưu ý đến 1 số bộ phận sau: Xe chính hãng thì xích màu sáng, ốc vít góc cạnh và lồi, số khung nằm bên phải, màu sơn sáng bóng, khung sườn chắc chắn, yên xe êm sâu, da mịn. Xe trôi nổi: Xích màu nâu đen, ốc vít tù cạnh và lõm, số khung nằm bên trái, màu sơn xấu, không bóng, khung sườn yếu, yên xe không êm, da thô.
Điều chỉnh độ cao yên xe phù hợp
Khi mua xe về, bà con phải lưu ý điều chỉnh độ cao của yên xe sao cho phù hợp với chiều cao của cơ thể. Đối với đầu gối, việc điều chỉnh yên xe ở độ cao vừa phải là điều tối quan trọng. Nếu yên xe quá thấp, tư thế ngồi xe sẽ giống như đang ngồi xổm thì đầu gối sẽ luôn bị gập cho dù pê-đan ở vị trí nào. Kết quả là vị trí này luôn trong tình trạng bị “ép” do chân không được duỗi đủ độ. Nếu yên xe quá cao thì đầu gối lại phải “căng” ra khi pê-đan ở vị trí thấp nhất.
Khi ngồi lên xe đạp thì chân phải thẳng với bàn chân nằm ngang đang ở điểm thấp nhất của vòng quay bàn đạp (pê-đan gần với mặt đường nhất khi xe đạp ở tư thế đứng thẳng hoặc điểm xa nhất so với bà con khi ngồi trên chiếc xe đạp đang được đặt nghiêng). Chú ý là không để chân ở vị trí phải “vươn” tới bàn đạp, như thế đầu gối sẽ được co duỗi hợp lý, không quá “căng” mà cũng không quá “trùng”.
Một cách đo khác là lấy chiều cao yên xe bằng với xương hông. Nhưng cách này không chính xác lắm. Có lẽ cách cơ bản nhất và dễ nhất để đo độ cao yên xe là lên xe và bắt đầu đạp xe. Bà con chú ý xem đầu gối phải nâng cao lên bao nhiêu so với hông. Hãy nhờ người khác quan sát giúp, chú ý đến vị trí của đầu gối luôn thấp hơn hông 1 chút là tốt nhất.