Tiếp sức tuyến đầu chống dịch
Phường An Hải Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) có 6 khu phố đang thực hiện lệnh cách ly với 12 điểm chốt trực. Việc chốt trực duy trì 24/24, được chia theo ca, với sự tham gia của nhiều lực lượng từ công an, dân quân tự vệ đến các đoàn viên thanh niên của phường.
Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) phường An Hải Đông đã đăng ký thực hiện những suất ăn để “tiếp lửa” cho lực lượng tham gia tại các chốt này.
Mỗi ngày, tùy từng chi hội phụ nữ, các bà, các cô, các chị sẽ nấu một bữa ăn, có khi là bữa sáng (bún, mì), hay cơm trưa, cơm tối (hoặc mì Quảng). Cũng có những ngày sẽ là các suất bánh bao, bánh mì, sữa cho lực lượng trực ca đêm.
Bà Phạm Thị Minh Chỉ (bên phải) chuẩn bị những suất mì Quảng cho lực lượng chốt chặn tại các điểm cách ly tại khu dân cư trên địa bàn phường An Hải Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) |
“Mỗi ngày trung bình các chị em phụ nữ của phường An Hải Đông sẽ nấu khoảng 60 suất ăn cho lực lượng chốt chặn tại 12 chốt. Kinh phí thực hiện bữa ăn sẽ do chị em phụ nữ vận động và đóng góp”, bà Đinh Thị Sơn Ca – Chủ tịch Hội LHPN phường An Hải Đông nói và cho biết thêm, hoạt động hỗ trợ này sẽ được duy trì cho đến khi các khu vực trên được dỡ phong toả và không có thêm vùng cách ly mới trên địa bàn phường.
Vừa ăn xong bữa trưa, bà Phạm Thị Minh Chỉ (72 tuổi) cùng một số phụ nữ Chi hội phụ nữ 6A (phường An Hải Đông) đã bắt tay vào chuẩn bị nấu 60 suất mì Quảng phục vụ bữa chiều cho lực lượng trực tại các khu phong tỏa.
Bà Chỉ cho biết, bà là một cựu chiến binh, dù chống giặc hay chống dịch thì đều cần sự chung sức của người dân, tùy theo sức của mình, thì cuộc chiến mới đi đến chiến thắng và kết thúc. Trong cuộc chiến với dịch Covid – 19, không phải đến đợt dịch lần này, mà ngay từ khi Đà Nẵng bùng phát dịch Covid – 19 năm 2020, đặc biệt là đợt dịch tháng 8/2020, bà cùng nhiều chị em phụ nữ đã liên tục nấu những suất ăn để phục vụ, tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch. “Xưa còn trẻ thì mình xung phong đi trước, có hậu phương hỗ trợ phía sau, nay lớn tuổi rồi, không thể đứng trực chốt như các cháu thì mình lại lùi về làm hậu phương, hỗ trợ cho lớp trẻ để cùng chống dịch”, bà Chỉ chia sẻ.
Hoạt động tiếp sức qua những suất ăn còn được lan tỏa mạnh mẽ tại nhiều phường, xã trên địa bàn TP. Đà Nẵng, đặc biệt tại những khu vực có các khu cách ly tại khu dân cư.
Những suất ăn trao vội nhưng đầy tình cảm của lực lượng hậu phương tiếp sức cho tuyến đầu chống dịch |
Trương Văn Trung (22 tuổi, phường An Hải Đông) và 2 đoàn viên, thanh niên của phường An Hải Đông đang cùng tham gia trực tại các điểm cách ly trên đường Lê Hữu Trác. Nhận phần mì Quảng còn nóng, Trung vui vẻ cho biết, từ hôm tham gia trực đến nay vẫn đều đặn đều nhận được những suất ăn từ phía các cô, các chị. “Cái chúng em nhận được không chỉ là những suất ăn, mà là năng lượng, động lực và niềm tin về phần thắng sẽ nhanh đến với TP. Đà Nẵng trong cuộc chiến với dịch Covid – 19 này”, Trung chia sẻ.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Dịch Covid – 19 không chỉ gây những xáo trộn nhất định về xã hội, còn tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế của thành phố. Nhiều nông sản tại TP. Đà Nẵng đang đứng trước nguy cơ ùn ứ do thương lái ngừng thu mua hoặc tiêu thụ chậm.
Kinh tế của gia đình bà Lê Thị Đắc (thôn La Bông, Hòa Tiến, Hòa Vang) phụ thuộc vào vườn bí đao trĩu quả. Dịch Covid – 19 bùng phát, sức tiêu thụ chậm lại, hơn 500 kg bí đao đứng trước nguy cơ tồn đọng. Nhiều nông sản trên địa bàn xã Hòa Tiến cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể xã Hòa Tiến, thông qua mạng xã hội số bí đao của gia đình bà Đắc cũng như nhiều nông sản của các hộ dân khác đã được tiêu thụ.
Ớt Bồ Bản (thôn Bồ Bản, Hòa Phong, Hòa Vang, Đà Nẵng) đang vào mùa thu hoạch. Năm nay, ớt được mùa nhưng lại vắng bóng thương lái.
Trước nguy cơ ùn ứ gần 2 tấn ớt đã đến ngày thu hoạch, hội nông dân xã Hòa Phong đã tận dụng mạng xã hội kêu gọi các hội viên hội nông dân trên toàn thành phố và người dân chung tay “giải cứu”.
Ông Bùi Dũng – Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hòa Phong cho biết, trong những ngày qua, các cấp hội nông dân TP. Đà Nẵng và người dân trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân xã Hòa Phong hơn 2,5 tấn nông sản ớt và bí.
“Mỗi người một ít, có người chỉ mua 1, 2 kg nông sản chúng tôi cũng giao đến tận nhà. Có sự chung sức của nhiều người dân, đến nay, phần nông sản ùn ứ cơ bản đã tiêu thụ”, ông Dũng thông tin.
Nhiều tấn nông sản (ớt, bí đao...) tại huyện Hòa Vang đã được người dân TP. Đà Nẵng chung tay hỗ trợ tiêu thụ |
Dù ở mặt trận chống dịch hay phát triển kinh tế thì lực lượng tuyến đầu sản xuất, chống dịch tại TP. Đà Nẵng vẫn luôn có hậu phương vững chắc phía sau để đảm bảo đó là “cuộc chiến không đơn độc” và có sự chung sức của toàn dân để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục lại trạng thái kinh tế - xã hội bình thường.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.