Thông tư số 148/2010/TT-BTC hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán và trò chơi giải trí có thưởng được ban hành khá bất ngờ và đang được các thành viên thị trường tiếp nhận…
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa, Thông tư này sẽ chính thức có hiệu lực (21/11/2010), kèm theo đó là rất nhiều nghĩa vụ báo cáo về giao dịch lớn, giao dịch nghi vấn đối với các CTCK. Khoảng hở về nhận thức và cách thực thi văn bản về chống rửa tiền này đang cần được cơ quan quản lý quan tâm “vá lại” mới có thể khiến văn bản ban hành đi vào thực tế. ĐTCK xin giới thiệu một số cách nhìn về thông tư này.
Ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và kiểm soát nội bộ, SSI
Về nội dung Thông tư 148, trừ quy định về giao dịch giá trị lớn là 200 triệu đồng tiền mặt, còn lại rất nhiều quy định mang tính định tính như “bất thường”, “không có lý do hợp lý”, “xếp loại có nguy cơ rửa tiền cao”… cần phải có hướng dẫn mới làm được, bởi cứ để CTCK tự hiểu sẽ xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một phách.
Đối với quy định áp dụng các biện pháp xử lý tạm thời như đơn phương tạm dừng giao dịch của khách hàng, những quy định về căn cứ như là “có lý do để tin rằng, giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội”… sẽ rất khó cho CTCK thực thi, vì nếu không quy định rõ, CTCK ít có khả năng dám dừng giao dịch của khách hàng. Việc dừng giao dịch sẽ vi phạm hợp đồng cung cấp dịch vụ, giả sử sau đó, cảm nhận của CTCK về khả năng rửa tiền của nhà đầu tư là sai thì CTCK sẽ phải chịu trách nhiệm rất lớn với khách hàng.
Về đội ngũ nhân sự, phòng chống rửa tiền là quy định mới, không chỉ mới đối với CTCK, mà là mới cả với cơ quan quản lý TTCK, nên nhân sự trực tiếp thực hiện không có kỹ năng và ít nhất cho đến nay là chưa được đào tạo. Khi Thông tư có hiệu lực thì vẫn buộc phải làm, nhưng hiệu quả thì chưa tính được. Cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo thì việc triển khai thực hiện mới thông suốt.
Về vĩ mô, việc hạn chế giao dịch bằng tiền mặt sẽ giúp kiểm soát nguồn tiền “bẩn” hay “sạch” dễ dàng hơn rất nhiều so với thực tế hiện nay, khi mà tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt còn rất lớn trong nền kinh tế. Cơ quan chức năng cần có lộ trình hạn chế giao dịch tiền mặt để hỗ trợ cho việc phòng, chống rửa tiền.
Tóm lại, Thông tư 148 đang rất cần cơ quan có thẩm quyền tổ chức đào tạo, hướng dẫn các đối tượng liên quan. Ngoài ra, cũng cần có những hướng dẫn mang tính định lượng để các công ty thành viên dễ thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Mạnh – Giám đốc Chi nhánh Hà Nội, CTCK Kim Eng
Thông tư 148 đưa tổng mức giao dịch của NĐT cá nhân từ 200 triệu đồng/ngày và NĐT tổ chức là 500 triệu đồng/ngày trở lên vào diện phải giám sát là thấp, bởi trên thực tế, giá trị giao dịch đạt ngưỡng trên ngày càng phổ biến. Hơn nữa, yêu cầu CTCK phải lưu trữ các dữ liệu này sẽ khiến họ bị “thêm việc” đáng kể. Việc đặt ra nghi vấn để theo dõi, điều tra và đi đến kết luận một hành vi rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán trên thực tế là rất phức tạp. Trong khi đó, các quy định pháp lý về phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán còn chưa đồng bộ, nhất quán.
Ông Phạm Ngọc Phú – Chủ tịch HĐQT CTCK An Thành
Muốn phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán hiệu quả, thì điều quan trọng nhất là các quy định pháp lý phải đảm bảo đồng bộ và chặt chẽ để truy được chủ thực sự của các giao dịch có nghi vấn rửa tiền. Thế nhưng, yêu cầu này chưa đạt được trên thực tế. Nhiều người có mức lương, thưởng không cao, tại sao anh ta mua được nhiều tài sản đắt tiền như: biệt thự, ô tô, thậm chí là gửi tiền ra nước ngoài… Hơn nữa, với đặc thù một nền kinh tế sử dụng quá nhiều tiền mặt như Việt Nam, thì càng khó phát hiện đâu là giao dịch có nguồn gốc tiền “sạch”, đâu là tiền “bẩn”.
Ông Nguyễn Tân Thắng – Giám đốc Nghiên cứu thị trường trái phiếu CTCK TP. HCM (HSC)
Nếu áp dụng theo những quy định của Thông tư 148 sẽ gây ra nhiều phiền phức đối với NĐT, nhất là NĐT cá nhân, vì thật ra mốc 200 triệu đồng không lớn.
Trong trung và dài hạn, quy định này có thể sẽ tốt cho nền kinh tế, vì mọi thứ hy vọng sẽ minh bạch hơn và TTCK cũng dần trở nên lành mạnh hơn. Đương nhiên, những đối tượng rửa tiền nếu muốn tiếp tục làm điều này thì sẽ có nhiều cách lách luật. Việc giám sát dòng tiền là cần thiết, nhưng nếu phần lớn được thực hiện bằng tay mà không có một hệ thống hỗ trợ tự động sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực, vì khi đó sẽ có nhiều yếu tố con người liên quan và sẽ tạo ra thêm nhiều phiền phức cho toàn bộ hệ thống.
Giám đốc môi giới một CTCK lớn tại Hà Nội
Quy định về chống rửa tiền trong lĩnh vực chứng khoán, theo tôi là khó khả thi. Tương tự như lĩnh vực ngân hàng trước đây cũng có quy định chống rửa tiền và cá nhân gửi tiền 200 triệu đồng/ngày trở lên phải báo cáo, lượng khách hàng thống kê sẽ rất nhiều. Thực tế, tình trạng rửa tiền qua TTCK với quy mô và đặc thù của thị trường Việt Nam, nếu có cũng rất ít. Tại CTCK chúng tôi, trong điều kiện thị trường giao dịch bình thường, khách hàng giao dịch 200 triệu đồng/ngày chiếm tỷ lệ rất lớn.
Về lý thuyết, việc bổ sung một chức năng liệt kê những khách hàng có giao dịch như vậy với CTCK không khó, nhưng hạn mức quá thấp như vậy sẽ khiến CTCK phải lưu số liệu rất nhiều và khách cũng có cảm giác không thoải mái khi thường xuyên bị liệt vào dạng giao dịch đáng ngờ.
Một quy định nữa là khách hàng ngừng giao dịch 1 năm, khi giao dịch lại thuộc diện phải báo cáo lý do. Điều này là hết sức vô lý, vì khi thị trường không thuận lợi, khi khách hàng bận bịu vì lý do nào đó họ có thể đứng ngoài thị trường, hay đơn cử các lãnh đạo DN cả năm hoặc vài năm mới giao dịch mua/bán cổ phiếu một lần, khi ấy ngoài công bố thông tin theo yêu cầu, họ lại phải báo cáo lý do giao dịch mà không biết báo cáo cho ai, thời gian bao lâu…
Theo ĐTCK