Sau rất nhiều đợt truy quét tích cực của lực lượng chức năng, thuốc lá điếu ngoại nhập lậu tuy không còn bày bán công khai nhưng đây đó vẫn bán lén lút tại các nhà hàng, quán cà phê, tủ bán thuốc lá lẻ. Thậm chí, trên các trang mạng xã hội hay các nền tảng buôn bán trực tuyến, thuốc lá nhập lậu được bán tràn lan, đủ loại, đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Buôn bán thuốc lá lậu thường tập trung ở hai nhãn hiệu phổ biến nhất là Jet và Hero, chiếm hơn 80% thị phần thuốc lá lậu và tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam giáp biên giới Campuchia, chiếm hơn 84% tổng lượng nhập bất hợp pháp qua các ngả khác trên toàn quốc.
Mới đây, ngày 19/8, Công an huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đã tạm giữ Nguyễn Văn Sơn (sinh năm 1972, ngụ quận 8, TP. Hồ Chí Minh) và Đặng Nguyễn Duy Khanh (sinh năm 1989, ngụ Đức Huệ, tỉnh Long An) để điều tra xử lý về hành vi buôn bán hàng cấm.
Theo đó, tổ công tác thuộc Công an xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc tuần tra phòng, chống tội phạm trên đường Huỳnh Văn Tiết, đoạn thuộc ấp Long Thới thì phát hiện Sơn điều khiển xe gắn máy chở 2.400 bao thuốc lá ngoại các loại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tiếp tục điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện và kiểm tra hành chính căn nhà không số trên đường Huỳnh Thị Dậu (ấp Tân Điền, xã Long Thượng) phát hiện Khanh cùng một đối tượng khác đang tàng trữ nhiều túi nilon chứa thuốc lá ngoại các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Tổng cộng, Công an thu giữ từ Sơn và Khanh 11.500 gói thuốc lá ngoại nhập lậu.
Kiên Giang liên tiếp phát hiện thuốc lá lậu ở khu vực biên giới |
Tại Kiên Giang, chỉ trong ngày 16/7, lực lượng chức năng của tỉnh Kiên Giang đã bắt quả tang 2 vụ vận chuyển 38 nghìn gói thuốc lá ngoại nhập lậu. Hay tại Đồng Tháp, lực lượng hải quan đã phối hợp cùng các đơn vị chức năng phát hiện và thu giữ 10.000 bao thuốc lá điếu ngoại hiệu Jet và Hero trên hai phương tiện xuồng máy bỏ lại.
Theo thống kê, mỗi năm các lực lượng chức năng đã bắt giữ hơn 10.000 vụ vi phạm, tịch thu khoảng trên 8 triệu bao thuốc lá nhập lậu. Xử lý quyết liệt như vậy, song hoạt động buôn lậu thuốc lá vẫn không giảm mà ngày càng được tổ chức chặt chẽ và tinh vi do buôn lậu mặt hàng này trót lọt sẽ sinh lợi "một vốn bốn lời". Từ đó hình thành các tổ chức, đường dây chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm và sự móc nối giữa các chủ đầu nậu và các chủ hàng tiêu thụ nội địa.
Thực tế, mặc dù các cơ quan chức năng liên tục triệt phá, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu. Tuy nhiên, các đối tượng bị bắt giữ đa phần là người vận chuyển chứ không phải đầu nậu.
Các đối tượng buôn lậu thuốc lá không tổ chức vận chuyển rầm rộ song các đối tượng vẫn lén lút nhập lậu mặt hàng này từ Campuchia về Việt Nam. Trong đó phương thức thủ đoạn có điểm mới so với trước là không tập kết hàng tại một điểm nhất định mà nhanh chóng chuyển sang phương tiện khác để vận chuyển sâu vào nội địa tiêu thụ, điểm trung chuyển được thay đổi thường xuyên.
Đối tượng vận chuyển là cư dân biên giới thông thạo địa bàn, dưới sự điều hành của một số đầu nậu, sử dụng mọi loại phương tiện để thực hiện hành vi buôn lậu, từ vận chuyển bằng xe máy, xuồng gắn máy có công suất lớn chạy với tốc độ cao, vận chuyển nhỏ lẻ, nhiều lần từ biên giới Campuchia qua các đường mòn cánh gà cửa khẩu, qua đồng ruộng, kênh rạch và cả tuyến quốc lộ để vận chuyển hàng lậu.
Đồng thời, chủ kinh doanh thường không lưu giữ nhiều hàng hóa tại các cửa hàng mà cất giữ phân tán tại nhiều địa điểm khác nhau (nhà riêng, thay đổi phương tiện vận chuyển, vận chuyển nhỏ lẻ, xen kẽ với thuốc lá sản xuất trong nước) nên rất khó phát hiện. Trong khi đó, nguồn tin cung cấp việc vận chuyển, kinh doanh thuốc lá lậu không có nhiều nên việc nắm bắt đối tượng đầu nậu cầm đầu còn nhiều hạn chế, khó khăn nên ảnh hưởng đến hiệu quả trong công tác đấu tranh, phòng ngừa.
Tình trạng buôn lậu thuốc lá gia tăng và diễn biến phức tạp trong thời gian qua đã là hồi chuông cánh báo nghiêm trọng khiến không chỉ Nhà nước mất hàng chục ngàn tỷ đồng do thất thu thuế hàng năm, mà còn gây nên tình trạng rối loạn trật tự xã hội nghiêm trọng, mất an toàn cho đời sống nhân dân, dẫn đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Và công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu chỉ có thể được triển khai một cách hiệu quả trên cơ sở các văn bản pháp luật đầy đủ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, khả thi, phù hợp với điều kiện cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Bởi vậy, cần hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống buôn lậu theo hướng tăng mức xử phạt, nâng cao thẩm quyền, phạm vi trách nhiệm và bảo đảm tính đồng bộ với hệ thống các quy định trong lĩnh vực quản lý nhà nước của các lực lượng có liên quan.