Làm chủ công nghệ
Thời gian qua, ngành CNHT được Chính phủ đặc biệt quan tâm, ban hành, cải thiện nhiều chính sách nhằm tăng cường, thúc đẩy đầu tư, liên kết, nâng cao sự vững chắc các chuỗi cung ứng cho các lĩnh vực sản xuất chủ lực của Việt Nam. Trong đó, để chủ động cung ứng linh kiện nhựa Công ty TNHH Sản xuất linh kiện nhựa Thaco - TPC (đơn vị thành viên của Tập đoàn Thaco Auto) đã nhanh chóng được thành lập và hiện là một trong những nhà cung ứng linh kiện nhựa hàng đầu Việt Nam cho nhiều đối tác lớn nhỏ trong nước, quốc tế.
TPC được thành lập vào tháng 10/2017, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước còn rất nhiều khó khăn nhưng TPC đã nhanh chóng đưa Nhà máy linh kiện Nhựa đi vào hoạt động từ tháng 6/2018 tại KCN THACO Chu Lai. Đáng chú ý, trong sản xuất linh kiện nhựa, khuôn giữ vai trò rất quan trọng. Công ty có nhà máy sản xuất khuôn, nhờ đó chủ động trong chế tạo khuôn phục vụ sản xuất linh kiện phụ tùng theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng.
Một góc dây chuyền sản xuất linh kiện của TPC |
Bên cạnh đó, Nhà máy linh kiện nhựa Thaco được trang bị hệ thống dây chuyền thiết bị hiện đại với máy ép nhựa từ 110 - 3.200 tấn với khả năng sản xuất các chi tiết lớn, phức tạp, độ chính xác cao; hệ thống robot sơn với công nghệ tự động giúp công suất của nhà máy lên đến 2.160.000 sản phẩm/năm, đáp ứng yêu cầu về các màu sơn cao cấp của các hãng xe lớn như Kia, Mazda, Peugeot… Quy trình sản xuất được kiểm soát theo tiêu chuẩn quản lý chất lượng quốc tế IATF 16949:2016, ISO 14001:2015, giúp Nhà máy linh kiện Nhựa nâng cao năng suất và tối ưu chi phí sản xuất.
Đáng nói, nhờ làm chủ công nghệ, chủ động sản xuất, công ty đã góp phần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các dòng xe của THACO AUTO; đồng thời tham gia chuỗi cung ứng linh kiện nhựa cho các nhà sản xuất ô tô, xe máy lớn, góp phần gia tăng hàm lượng sản xuất trong nước và tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng tiêu chí hàm lượng khu vực RVC (Regional Value Content).
Theo các chuyên gia, thời gian gần đây, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có nhiều điểm sáng từ sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị OEM (thiết bị gốc). Là đối tác của các hãng xe lớn, TPC nắm rõ yêu cầu, quy trình sản xuất linh kiện theo tiêu chuẩn toàn cầu, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình nội địa hóa phù hợp với tiêu chuẩn của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô. Hiện nay, THACO đang cung ứng linh kiện nhựa ô tô theo hình thức OEM, gia công sơn linh kiện nhựa cho nhiều hãng xe trong nước như Kia, Mazda, Peugeot, Hyundai, Toyota, Piaggio…; đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước như Nga, Malaysia...
Nhờ vậy, TPC sớm trở thành một trong các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất theo đơn đặt hàng nhờ đáp ứng tốt nhu cầu sản phẩm phụ trợ cho nhiều lĩnh vực công nghiệp chủ lực trong và ngoài nước như ô tô, điện tử, công nghệ thông tin,… Hiện, TPC đang sản xuất, cung ứng các dòng sản phẩm linh kiện nhựa ô tô, xe máy; linh kiện nhựa công nghiệp; linh kiện nhựa dân dụng, bao gồm: Linh kiện nhựa cho các dòng xe tải, xe bus, xe máy, xe điện, xe du lịch…; lõi/ ống (nhựa) chỉ may công nghiệp; chi tiết nhựa trong các sản phẩm cơ khí: pallet, thùng chứa công nghiệp, chi tiết nhựa trong xe đẩy sân bay…; chi tiết nhựa trong các sản phẩm điện tử: vỏ tivi, vỏ điện thoại, vỏ máy lạnh, phụ kiện điện thoại, cáp thông tin liên lạc,… Năm 2021 là năm đầu tiên sản phẩm nhựa ngoài ngành ô tô của công ty được cung ứng ra nước ngoài. Nhiều sản phẩm như ốp che khóa cửa, ghế sân vận động, chai nhựa… đã được xuất khẩu sang Mỹ, Australia, Canada.
Thành quả này có được bước đầu do chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và ngành CNHT nói riêng vô cùng cởi mở, tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể cho các nhà đầu tư mạnh dạn kinh doanh, thiết lập, mở rộng các “đế chế” sản xuất, đầu mối khởi nghiệp hay chuỗi cung ứng sản phẩm phụ trợ.
Hình thành chuỗi cung ứng
Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những chính sách chú trọng phát triển CNHT thiết thực, đủ mạnh và kịp thời đã góp phần giúp các doanh nghiệp quyết định đầu tư như Thaco Auto thành lập TPC, Tập đoàn Viettel thành lập Công ty M3,… Từ đó, thúc đẩy, tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như điện tử, ô tô, công nghệ thông tin,… Đồng thời, bước đầu hình thành hệ sinh thái CNHT và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Một dây chuyền sản xuất linh kiện hiện đại của TPC |
Hiện nay, có rất nhiều văn bản, chính sách của Chính phủ, cơ quan chức năng đã và đang hỗ trợ tích cực trong việc hỗ trợ khó khăn, duy trì, mở rộng sản xuất như: Nghị định 57/2021/NĐ-CP về bổ sung Nghị định ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án sản xuất sản phẩm CNHT...; Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT; Quyết định 68/QĐ-TTg năm 2017 phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 - 2025,… Đại diện TPC cũng khẳng định, nhờ sự quan tâm, chú trọng trong việc cải thiện cơ chế, chính sách ngành CNHT của Nhà nước, đã góp phần giúp TPC phát triển, từng bước kiện toàn hệ thống cung ứng và vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp.
Bên cạnh sự hỗ trợ, quan tâm của Nhà nước, sự nỗ lực, phát huy sức mạnh nội lực của các doanh nghiệp CNHT cũng không kém phần quan trọng. Trong đó, nhờ đặc biệt chú trọng phát triển hoạt động R&D, thông qua việc nhận chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới, tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình sản xuất, nghiên cứu sản phẩm và công nghệ sản xuất mới, TPC đã từng bước chuẩn hóa quy trình công nghệ nhằm tối ưu hóa dây chuyền sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao năng suất.
Đặc biệt, TPC còn không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm nhựa ép phun từ khâu thiết kế 3D, mô phỏng tính bền, phân tích chọn nguyên liệu, tính toán số lòng khuôn đến sản xuất thử đánh giá và áp dụng vào sản xuất hàng loạt. Nhờ có kinh nghiệm nhiều năm làm việc với các đối tác Kia Motors Corporation (KMC), Mazda Corporation (MC), Peugeot,… trong việc phát triển các sản phẩm linh kiện nhựa, đến nay, TPC đã không ngừng tạo được niềm tin, uy tín cũng như thương hiệu trên thị trường rộng khắp.
Hiện các chủng loại sản phẩm của nhà máy không chỉ đáp ứng nhu cầu cung ứng các chi tiết linh kiện nhựa, linh kiện nội – ngoại thất các dòng xe tải, xe bus và xe du lịch của THACO và các doanh nghiệp trong nước mà còn xuất khẩu sang thị trường ngoài nước.
Trong thời gian tới, nhà máy linh kiện nhựa của TPC sẽ tiếp tục tập trung, nâng cấp và không ngừng đổi mới công nghệ để đa dạng sản phẩm; nâng cao chất lượng, giảm giá thành. Theo đại diện TPC, đơn vị sẽ đẩy mạnh mọi mặt kinh doanh nhằm cung cấp sản phẩm linh kiện nhựa cho các doanh nghiệp FDI và các nhà sản xuất lắp ráp sản phẩm công nghiệp trong nước, quốc tế…